Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Đến bãi biển dài nhất hành tinh


SGTT.VN - Với địa danh Cox’s Bazar thì trong tiếng Anh từ “bazar” gợi nhớ đến những phiên chợ, vậy tôi “đến chợ để thăm chùa”(?). Không phải vậy, “bazar” ở đây không nói về chợ, mà là một miền đất – điểm du lịch nổi tiếng nhất nhì ở xứ Hồi giáo Bangladesh.
Ai quan tâm đến các bãi biển hay từng tìm hiểu về Bangladesh chắc sẽ biết đến tỉnh Cox’s Bazar, biết đến bãi biển dài nhất hành tinh, niềm tự hào của người dân nước này. Do đó, đến một bãi biển “độc đáo” như vậy, trên đất nước Hồi giáo, để được viếng thăm những ngôi chùa theo phong cách Miến Điện, quả thật là lạ.
Chùa phong cách Miến Điện ở Cox’s Bazar.
Bãi biển dài 120km ở Cox’s Bazar
Tôi lang thang cả tháng trên đất nước nhỏ nhắn, đông đúc nhưng rất thân thiện, mến khách này cũng gặp y chang như vậy. Đó là câu hỏi cửa miệng của các bạn Bangladesh: “Tại sao bạn chọn du lịch Bangladesh?”, rồi kế tiếp sẽ là “Bạn đến Cox’s Bazar chưa?” Bạn chỉ thoát khỏi hai câu hỏi trên chỉ khi bạn đến Cox’s! Nói thật, dù không thích cách phục vụ cũng như dịch vụ của các khu du lịch biển đảo nước nhà, chúng ta đều công nhận rằng Việt Nam có nhiều bãi biển đẹp. Nên tôi cũng nhiều lần gân cổ “cãi” với các bạn. “Tôi chưa đến Cox’s Bazar vì quan tâm đến thành quách, đền đài, chùa chiền,… những giá trị cổ xưa nhiều hơn. Biển thì nước tôi có hơn 3.200 cây số bờ biển nên không là quan tâm hàng đầu của tôi.”… Nhưng tất cả đều không lại với các bạn! Nhất là trước câu nói đầy kiêu hãnh: “Nhưng mà bên bạn có bãi biển dài nhất hành tinh không?”.Và, cuối cùng tôi phải đến đây! Cũng do tò mò vì mấy cái từ “nhất”, “nhất”… đó!
Thời gian và điều kiện hạn hẹp, tôi không thể đi hết các bãi biển dài nhất hành tinh, dài đến 120km của Cox’s Bazar. Tuy vậy, ngay buổi sáng đầu tiên, tôi thức sớm, hăm hở lao ra bãi chính, nằm ở gần khu trung tâm thành phố. Hơi chút thất vọng, dù cũng đã được các bạn du lịch gặp trên đường “cảnh báo” trước vì bãi biển ở đây không đẹp như tôi nghĩ. Dài thì nhìn hết tầm mắt là thấy dài chứ làm sao mắt thường lại nhìn được đến mấy cây số... để thấy vẻ đẹp của cái sự dài đó! Nên cái đẹp cần là bãi biển cát trắng, biển xanh, rừng dương, dừa xanh lơi lả… đều không thấy ở đây. Mà có lẽ, chính cái tên cũ Panowa – “hoa vàng” người xưa đặt cho thì hợp hơn với bãi biển này, vì cát ở đây màu vàng, từ vàng sẫm đến vàng tối, rất tối. Nước biển cũng xanh màu bình thường, không rực rỡ màu ngọc bích như ở đảo Phi Phi (Thái Lan) hay trong vắt như ở Hòn Ông, Vân Phong, Nha Trang… Có điều, thoát khỏi các thành phố ô nhiễm thứ hạng “top ten” hành tinh như Dhaka, Chittagong… của Bangladesh thì biển xanh, trời xanh và bãi cát sạch lạ lùng nơi đây quả là thiên đường.
Từ Việt Nam, bạn có thể bay đến Bangkok hoặc Kuala Lumpur để nối chuyến đến thủ đô Dhaka. Từ đây có nhiều chuyến bay nội địa (khoảng 1.200.000 đồng) hoặc xe buýt (từ 8 – 10 tiếng, vé khoảng 150.000 đồng/vé) đến Cox’s Bazar. Đặc biệt so với Bangladesh, Cox’s Bazar có rất nhiều khách sạn, khu resort năm sao. Các khách sạn nhà nghỉ bình dân, giá phòng đơn khoảng từ 100.000 đồng trở lên. Hải sản ở đây giá chỉ khoảng 2/3 giá ở các bãi biển Việt Nam.
Chùa Phật trên đất nước Hồi giáo
Lang thang qua những phố biển tấp nập, tôi lạc đến ngọn đồi nhỏ êm vắng lạ thường dù phố chợ đông đúc không xa. Và tôi ngỡ ngàng khi thấy những ngôi chùa Phật giáo hiếm hoi ở đây, một quốc gia Hồi giáo, giữa những vườn xanh có những bảo tháp (stupa) trắng. Những ngôi chùa xây dựng theo phong cách Miến Điện từ thế kỷ 18 này không hoành tráng rực rỡ như những ngôi chùa bên Miến bây giờ. Nhưng nó thâm trầm cổ kính ở những ngôi chùa cổ Cox’s Bazar này. Trong màu xanh ngắt vùng duyên hải, giữa những mái vòm củ hành nhiều sắc, những tháp cao thẳng đứng (minaret) của giáo đường Hồi giáo... những ngôi chùa cũ kỹ, nét rêu phong, u tịch này càng thêm quyến rũ bởi những bảo tháp trắng đây đó nằm quanh.
Thiền viện có chánh điện làm bằng gỗ teak – Aggameda Khyang, ngôi chùa Maha Thin Daw Gree kế bên, được xây dựng từ 1790,… thực ra chỉ cách đất Miến Điện đâu chừng 20km theo đường chim bay. Do vậy, những ngôi chùa vài trăm năm tuổi này, dù hiện đang nằm trên đất Hồi giáo, dù trước 1947 còn thuộc về đất nước Hindu giáo Ấn Độ, lại được xây dựng theo phong cách Miến Điện. Từ mái chóp nhọn vuông vắn với các hoạ tiết trang trí thẩm mỹ, từ những pho tượng Phật với những nét gầy guộc và đôi mắt đặc trưng của Miến Điện, đến những bảo tháp tròn... Nhất là khi giữa đám đông những phụ nữ trong bộ áo choàng kín mít xứ này, du khách gặp những cô bé vừa tan chợ Bumese về, phấn thanaka làm sáng bừng nét duyên trên gương mặt đậm nét Miến. Trong chánh điện, những thiện nam tín nữ đang cúng viếng, lạy quỳ, tiếng kinh cầu nhè nhẹ, hương trầm thơm ngát… làm lòng người cứ nhẹ tênh.
Tôi theo chân các chú bé lên đồi cao, nơi các chú thả diều nhiều màu vi vu bay lượn giữa những bảo tháp trắng vừa được sơn sửa. Ngồi trong bóng tháp, tôi thả hồn bay theo những con diều, thi thoảng ra tít biển xanh Cox’s Bazar ngoài kia. Bắt chuyện, hỏi tôi theo đạo gì… xong, Eman, một trong ba cậu học sinh trung học ngồi kế bên nói tiếp: “Cũng không quan trọng gì đâu anh há. ba đứa tụi em đứa Hồi giáo, đứa Phật giáo chơi thân nhau từ nhỏ. Đạo nào cũng hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn mà, chỉ có những người nhân danh tôn giáo để làm điều xấu mới không tốt mà thôi”. Nghe Eman nói, tôi giật mình, vì sao y chang câu giảng của Đức Dalai Lama tôi may mắn được nghe vào những ngày tháng 10.2011 ở Dharamsala. Nhận lời mời chiều tối sẽ đến dự sinh nhật của cậu, tôi xuống đồi. Vừa đi tôi thầm nghĩ và thầm mong, với những cậu học trò này, đất nước còn nhiều gian khó Bangladesh sẽ có thể “cất cánh” một ngày không xa. Tôi cầu chúc cho ngày đó sớm đến.
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN HOÀNG BÃO

Không có nhận xét nào: