Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Quá khứ ở Fontainableau - hiện tại ở Barbizon


(NLĐO) - Đến Paris đầu tiên trong hành trình Châu Âu 5 nước, tôi may mắn có một người đồng hành lý tưởng - chị Thanh Hằng - hướng dẫn viên gốc Hà Nội đã sống mấy chục năm ở Paris và am hiểu sâu sắc văn học, hội họa Pháp. Nhờ chị, tôi nhìn thấy Paris sâu hơn và trải nghiệm một ngày trọn vẹn ở vùng ngoại ô Paris với pháo đài - lâu đài cổ Fontainableau và ngôi làng Barbizon... Đây là những điểm dừng chân rất ấn tượng và hoàn toàn khác biệt.
Ngay khi đang khám phá một Paris tráng lệ được ví như một bảo tàng kiến trúc ngoài trời, chị Hằng đã bảo tôi “Đến Paris, chớ bỏ qua lâu đài Fontainableau và làng Barbizon nhé”.  

Fontainableau– nơi thời gian đã ngừng trôi
Với khoảng cách 60 km, chỉ mất khoảng 1 giờ 15 phút để di chuyển từ chân tháp Eiffel đến pháo đài - lâu đài cổ Fontainableau, nhưng lại mất cả ngày cho đến vài ngày nếu bạn thực sự muốn nghe đầy đủ thuyết minh và tham quan hết lâu đài này. Dẫu sao với tôi, 3 tiếng vẫn đủ kèm điều kiện phải có một hướng dẫn viên giỏi về thuyết minh bảo tàng hỗ trợ, giúp xác định đúng những khu vực tham quan trọng yếu và những kiệt tác không thể bỏ sót ở Fontainableau.

Lâu đài Fontainableau
Bước chân vào lâu đài Fontainableau, chúng tôi được yêu cầu sử dụng tai nghe để nghe thuyết minh kèm theo lời nhắc đi nhẹ và nói khẽ. Và rồi tôi bắt đầu có cảm giác khám phá một kho báu về lịch sử - nghệ thuật thực sự, đặc biệt khi tận kiến nhiều kỷ vật gắn bó với Napoleon - vị Hoàng đế có cái tên thân mật “viên Hạ sĩ nhỏ bé”, vóc dáng thấp hơn nhiều binh sĩ, tướng lĩnh và chính khách đương thời châu Âu nhưng đã tạo nên những cuộc “Chiến tranh Napoleon” vĩ đại, khẳng định vị thế một thiên tài quân sự trong lịch sử nhân loại.

Chị Hằng lúc này mới chia sẻ với tôi rằng phần nhiều du khách đến Paris đều biết đến cung điện Versailles, nhưng không nhiều du khách biết về Fontainableau dù lâu đài này nằm cũng khá gần Paris. Phải nói ngay rằng trước khi đến đây, tôi đã dừng chân ở Versailles hiện đại và không gian luôn chật cứng người. Fontainableau thì khác, không gian một pháo  đài cổ xưa và một lâu đài nguy nga mở ra giữa thiên nhiên, tĩnh lặng và thú vị đến không ngờ. Tôi cũng có lựa chọn cho mình, và nếu để đưa ra lời khuyên cho du khách, tôi sẽ hướng về Fontainableau. Điều này có thể ví như, khi bạn đang choáng ngợp với vẻ đồ sộ, tráng lệ của Paris thì đến Fontainableau và làng Barbizon nằm một trong rừng yên ả, những áng văn thơ lãng mạn của Pháp ngủ quên khá lâu trong tiềm thức của bạn bỗng thức dậy... Nếu như ở Versailles, tôi đã không đủ thời gian cũng như khoảng không để len vào xem những tác phẩm nghệ thuật mình yêu thích, thì Fontainableau đã bù đắp cho tôi đáng kể.
Ở pháo đài Fontainableau, không gian tĩnh lặng và thông thoáng, những bức tường bạc màu rêu phong đủ cho tôi tưởng tượng cảnh vua chúa thời xưa vẫn thường lui tới săn bắn trong khu rừng Barbizon này. Một hành lang nhỏ đưa chúng tôi bắt đầu trở lại thời đế chế Napoleon. Quý giá thay những cổ vật trưng bày, những tác phẩm nghệ thuật thời ấy nay vẫn phủ kín trần nhà và các bức tường bao quanh. Tôi dường như  đã nghe tiếng vó ngựa phi nước đại, tiếng reo hò chiến thắng vang dội đâu đó vọng về.

Những bức tượng mang đậm dấu ấn La Mã cũng hiện diện không ít tại Fontainableau, đặc biệt trong dãy hành lang tái hiện toàn bộ các thành viên gia đình Napoleon. Điểm đặc biệt nhất về Fontainableau là không có cảm giác hiện tại - toàn bộ khung cảnh nơi đây làm thời gian như ngưng đọng, đặc quánh lại quanh các cổ vật. Xuyên qua những dãy hành lang dài, những phòng khiêu vũ lộng lẫy, rất nhiều du khách dừng lại khá lâu ở căn phòng xưa còn đậm bóng dáng Napoleon, nơi lưu giữ không ít kỷ vật về Napoleon và nàng Joséphine. Thật khó tin, vị Hoàng đế say sưa chiến trận và chiến thắng là thế, vẫn có thể thốt lên những lời đầy mẫn cảm về tình yêu đến nhường này “Trong chuyện yêu thương không bao giờ đầy đủ cũng như không có lúc nào thừa. Dù có viết cho nhau ngàn vạn lá thư cũng không bao giờ vơi được nỗi niềm thương nhớ đang chất chứa trong lòng hai kẻ yêu nhau”… Chị Hằng không nhớ đã đến đây biết bao lần, nhưng với chị, niềm đam mê dành cho Fontainableu  hẳn cũng “không bao giờ vơi cạn”.

Sống chậm ở Barbizon 
Đã đến Fontainableau, dĩ nhiên không thể bỏ qua Barbizon. Một con đường vắng chạy xuyên rừng đưa tôi đến làng Barbizon trong khoảng 20 phút. Khu rừng và các yếu tố tự nhiên nơi đây được bảo vệ gần như nguyên vẹn, luật pháp cũng nghiêm cấm bất kỳ sự xâm phạm nào. Băng qua vài cánh đồng lúa mỳ xanh ngắt, làng Barbizon hiện ra, không chỉ có kiến trúc đẹp, lạ mà còn là một bảo tàng sống bởi sự quy tụ của các họa sĩ khắp nơi trên thế giới về đây sống và sáng tác.

Một góc làng họa sỹ

Barbizon còn mang tên gọi “ngôi làng của các họa sĩ’. Cả trăm năm nay, không ai nhớ nổi có bao nhiêu họa sĩ đã đến đây, đã vẽ bao nhiêu tác phẩm, nhưng dấu ấn của họ vẫn hiển hiện  khắp nơi trong ngôi làng đẹp như một  bức tranh này. Khi lang thang khám phá Babizon, tôi tình cờ gặp một họa sĩ khá đặc biệt - Miguel Amoros, người đã đến Barbizon từ năm 1968 khi mới 17 tuổi và chỉ rời khỏi làng vào những dịp mang tranh đi triển lãm ở châu Á. Miguel say sưa kể với tôi rằng đến giờ ông vẫn chưa vẽ hết vẻ đẹp mỗi ngày, mỗi mùa của Barbizon. Tranh của Miguel thuần túy là thiên nhiên, là cuộc sống, là những thông điệp ẩn dụ ánh lên sự lạc quan, yêu đời tha thiết. Đây có lẽ cũng là tính cách của hầu hết người dân Barbizon. Chỉ ở Barbizon người ta mới có thể thỏa thích ngắm tranh treo ngay trên tường bên ngoài mỗi ngôi nhà, còn nếu đã bước chân vào trong bất kỳ ngôi nhà nào, bạn sẽ ngỡ mình đang ở galery.

Các bức tranh ở đây có giá từ 100 đến 1400 eur và mỗi bức tranh chỉ có một bản vẽ duy nhất. Họa sĩ Miguel bảo rằng ông dần thiết lập tình yêu Việt Nam thông qua những du khách Việt Nam đến Babizon, dù còn khá ít. Bức tranh tôi mua thoạt nhìn rất đơn giản, một cánh đồng hoa tulip đỏ và một mái nhà thờ cao vút hướng lên trời xanh. Cảnh thực đời thường của Babizon, nhưng tôi thích bút họa kiểu vẽ mà như không vẽ của Miguel.

Món ngon của chị Bizou
Miguel là một trong những họa sĩ nhập cư sinh sống lâu nhất tại làng Barbizon nên được chính quyền vùng này cấp luôn cho một ngôi nhà để gắn bó mãi mãi với làng. May mắn thay, Miguel cũng là bạn thân của chủ một nhà hàng ở Barbizon. Không phải là người hợp món ăn châu Âu, nhưng tại nhà hàng La Flambee, tôi không chỉ được nếm khẩu vị thân thiện, hài hước của người vùng Barbizon mà còn được thưởng thức những món ăn thực sự tuyệt vời. 

Nhà hàng La Flambee
 
Nhà hàng La Flambee được chủ nhân khéo léo trang trí như một bảo tàng nghệ thuật với hàng trăm món đồ cổ cùng rất nhiều hoa tươi, tranh vẽ. Không gian và tiện nghi nơi đây có thể phục vụ tiệc nướng cùng lúc cho khoảng 80 khách, chỉ với một đầu bếp cực kỳ duyên dáng là chị Bizou. Còn chồng chị đảm nhận khâu phục vụ khách bên ngoài. Cả hai luôn tay luôn chân và dĩ nhiên, cũng luôn miệng hỏi han khách, ấy vậy mà họ không hề nhầm lẫn thực đơn của bất kỳ ai.
 
Tôi thích thú ngắm chiếc lò nướng đặt ngay trong nhà hàng, đó là nơi trình diễn toàn bộ quá trình chế biến món ăn của gia đình Bizou. Bên cạnh món nướng, nhà hàng La Flambee còn rất nổi tiếng với món pate gia truyền và các món bánh ngọt trong lạnh ngoài nóng  (bánh nướng nhân kem mang thương hiệu và bản quyền riêng). Thức ăn ngon đến nỗi chị Hằng kể không ít du khách Việt đã hỏi chị rằng người Pháp vốn sành ăn, vậy món ăn ở La Flambee đã xứng vị trí số 1 chưa? Hỏi vậy bởi bất cứ ai đã thưởng thức thực đơn ở La Flambee cũng sẽ khó hình dung nổi có nhà hàng nào còn ngon hơn và tinh tế hơn nữa hay không?!

Bên trong nhà hàng La Flambee 
Chị Hằng khẳng định hầu như thức ăn và bánh trái ở đây đều là sản phẩm gia truyền, không thể tìm mua hay thưởng thức ở đâu ngoài nhà hàng này. Tôi cứ nhấm nháp mãi khung cảnh ấm áp này: chị Bizou dáng người mập mạp nhưng di chuyển cực kỳ duyên dáng với khuôn mặt đỏ bừng vì hơi bếp, chồng chị tất bật phục vụ khách gọi món, bưng bê món ăn, luôn tay pha trà, lấy bánh và kem... Một không khí gia đình thực sự mở ra khi gặp mẹ của Bizou, một bà cụ đã gần 80 tuổi nhưng vẫn thích biểu diễn giữ thăng bằng với một chai rượu đặt trên đỉnh đầu và đến từng bàn chào thực khách. Bạn cũng cần phải biết thêm rằng những món bánh pho mát ngon tuyệt của nhà hàng do chính bà cụ tự tay làm. Đến khoảng 12 giờ 30 trưa, nhà hàng sẽ không nhận thêm khách, đơn giản bởi không đủ người chế biến thực phẩm và phục vụ bàn ăn.

Lại nhờ chị Hằng, tôi được ưu tiên vào khám phá phía trong của nhà hàng La Flambee. Nhà hàng và nhà ở gắn bó trong một quần thể chung, lối trang trí bên trong cũng tỉ mỉ không kém bên ngoài. Hình như ai ở đây cũng có năng khiếu nghệ thuật sẵn trong máu, cứ ở Barbizon là mê đắm trang trí nhà cửa và sáng tạo không gian sống tuyệt đẹp cho mình. Dĩ nhiên, họa sĩ Miguel Amoros được chủ nhà hàng ưu ái dành cho rất nhiều không gian triển lãm tranh độc quyền tại đây. Vì thế, trước khi vào nhà hàng này, bạn hãy sẵn sàng tâm thế thưởng thức món ăn, ngắm tranh -  tất cả đều là nghệ thuật. 
 
Tôi còn mê mẩn bộ sưu tập bàn ủi đã có tuổi thọ cả trăm năm của chị Bizou. Chị giữ được cả những chiếc bàn ủi thời còn dùng than củi hoặc nước sôi để làm nóng. Người phụ nữ đầu bếp này cũng là một nghệ sĩ theo cách riêng của chị. Biết có khách Việt Nam sang, vợ chồng chủ nhà đã giới thiệu rất kỹ về từng món ăn cho chúng tôi, và còn cẩn thận hỏi xem thích ăn kiểu gì, sau đó ý tứ đặt thêm một lọ tăm lên bàn thực khách Việt.

Bộ sưu tập bàn ủi gần 100 năm tuổi
Chỉ nửa ngày ở Barbizon, tôi tạm quên mọi ánh sáng hoa lệ của Paris để bước vào suối nguồn nghệ thuật khác, vừa bình dị vừa hiện thực. Thời gian đã trôi rất chậm ở Barbizon để cho tôi thưởng thức mọi thứ quanh mình, để rồi ngay lúc phải rời đi, tôi đã lập tức nghĩ đến ngày quay trở lại.

Chiếc bàn ủi tròn 100 tuổi
Đoàn Thị Thanh Trà (Trưởng phòng - Phòng Tiếp thị Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist)

Không có nhận xét nào: