Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Ở Pakse có rừng giữa ruộng


SGTT.VN - Rừng nhiệt đới châu Á thường xa tít ở non cao. Ruộng thì dài dằng dặc dưới đồng bằng. Nhưng một sớm mai trong trẻo ở Pakse, tôi đã gặp rừng giữa ruộng – hay ruộng giữa rừng, và những màu xanh ấy quấn quít lấy nhau.
Ở Pakse người làm ruộng không tuỳ tiện chặt đốn cây rừng.Ảnh: Trần Thái Hoãn
Pakse, thủ phủ miền Nam Lào, không chỉ là thành phố phồn thịnh nhất vùng đất này. Thành phố còn mênh mang những cánh đồng lúa ven bờ Mekong, nơi con sông trải rộng với gần 4.000 cồn, đảo nhỏ lớn trước khi chảy vào miền Stungtreng của người anh em Campuchia. Đối với dân du lịch trên khắp thế giới, Pakse lại là một trong những “thiên đường du lịch” mà một khi du khách đã đặt chân đến Đông Nam Á khó có thể bỏ qua, nhất là khách du lịch… bụi.
Đến Pakse chi phí rẻ
Một trong những vấn đề quan trọng là chi phí. Như ở vùng đất 4.000 đảo Siphandon, chỉ 15.000 kíp (tương đương 40.000 đồng Việt Nam) bạn sẽ có một căn chòi tranh mát rượi ven bờ Mekong, với những chiếc võng đong đưa dưới hàng cây râm mát. Căn chòi tranh đó bạn có thể chia sẻ cho 3 – 4 người cùng ở, nên mỗi người phải trả chẳng là bao. Chi phí ăn uống cũng nhẹ nhàng, mỗi ngày ở đây nếu không bia bọt, bạn chỉ mất khoảng dưới 5 USD cho tất cả: còn gì hơn. Có rất nhiều bạn Tây trẻ đến đây thăm thú, thư giãn và sống cùng người dân bản địa hiền hành chất phác hơn cả tháng trời. Chưa kể Pakse còn là vùng đất với biết bao danh lam thắng cảnh. Từ làng voi Kiet Ngong, đến bãi đá thiêng Phou Asa, đến di tích Khmer Ou Tomo… Đặc biệt nhất là cụm đền đài Vat Phou, nơi những người dân Khmer của gần 15 thế kỷ trước đã cho xây dựng trên kinh đô cũ của họ trước khi xuôi nam và chuyển đến Angkor Thom, Angkor Wat lừng danh bây giờ.
Tôi cũng lang thang ghé Pakse vài lần, cũng viếng thăm di tích đây đó, cũng yêu mến cuộc sống chậm và giản đơn bên dòng Mekong nơi miền Siphandon hiền hoà biết bao. Và cũng ở đó, một sớm mai, sau đêm vui tưng bừng với Lao Lao*, lười nhác đong đưa trên chiếc võng ven sông, nghe hương lúa non nhẹ thoảng về, tôi lững thững bước ra cánh đồng, tôi chợt ngẩn ngơ với màu xanh rừng – ruộng.
Rừng với ruộng quấn quít nhau
Từ Sài Gòn, đã có xe đi thẳng Pakse, qua ngả Campuchia, sáng đi chiều tới. Giá vé, có ăn trưa khoảng hơn 800.000 đồng. Nếu tiết kiệm, có thể đi xe lên Gia Lai hoặc Kon Tum, từ đó có xe đi Pakse, sáng đi chiều tới, tổng chi phí chỉ khoảng hơn 400.000 đồng. Từ Pakse, đi đến các điểm du lịch rất dễ vì có nhiều tour và giá phải chăng.
Giữa cánh đồng xanh mượt, có nhiều những cây xanh nằm ngay giữa ruộng. Không phải nằm trên bờ ruộng để lấy bóng râm che mát, chúng nằm ngay giữa ruộng. Cây không nhiều lắm, nhưng nhìn tổng thể cánh đồng thì lại có nhiều cây đan xen vào nhau – trông cứ như rừng nằm chung với ruộng. Tôi đem thắc mắc hỏi anh Phao, chủ nhà trọ. Anh cho hay, người Lào quý cây lắm, khi dọn đất để làm ruộng, người ta không chặt cây đâu mà vẫn để vậy. Ngay cả khi cần chặt cây trong vườn, hay trong rừng để làm nhà… thì cũng phải cúng kiếng, khấn vái để xin phép chứ không tuỳ tiện được. Nghe anh nói tôi càng ngẩn ngơ. Rồi chợt nhớ buổi sáng nào ở Luang Prabang tôi thức sớm cùng dì chủ nhà nghỉ và nhiều người trong xóm cùng đón đoàn tăng sĩ khất thực – như họ vẫn làm mỗi sớm. Tôi ngạc nhiên khi thấy những người phụ nữ Lào sau khi cúng dường cho các tăng sĩ xong thường chừa lại một nắm cơm nếp và để nó trên các chạc cây. Cứ nghĩ đó là các dì dành cho lũ chim đang tíu tít ngoài trời, hỏi ra mới biết: trước là cúng dường cho cây, sau mới đến lũ chim kia. Giờ mới thấm.
Và ngậm ngùi. Khi nhớ đến bao bài báo, phóng sự nói về sự cạn kiệt của những cánh rừng Việt Nam. Rồi khi tôi tận mắt thấy ngay trên con đường lên Tây Nguyên để đến Pakse, rừng đã… eo sèo. Những màu xanh quấn quít rừng với ruộng chắc sẽ không có ở quê mình – vì thói quen canh tác? Bao giờ ở phố người ta thôi đổ axít vào gốc cây, đêm đêm đem xe tải đến bứng gốc sưa? Tôi cũng tự hỏi đến bao giờ thì ở quê nhà lũ chim trời được hồn nhiên tỉa những hạt cơm nếp thơm mỗi sáng, những hạt cơm mà người ta “không dành” cho chúng...
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN THÁI HOÃN
* Lao Lao: tên loại rượu gạo của Lào

Không có nhận xét nào: