Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Mùa hè ra đường chơi


SGTT.VN - Không khí buổi sáng vẫn còn se lạnh mà những chiếc bàn gỗ ở quán càphê ngoài trời Kafekoppen ở khu phố cổ Gamla Stan đã đông người. Mùi càphê và bánh mì quyện vào trong tiếng nhạc nhẹ Thuỵ Điển dội vào tường mang hương vị và âm hưởng thật nồng nàn. Với người Stockholm, “mùa hè” không chỉ đơn giản là một mùa, mà là cả thái độ và cảm xúc.
Nước, công viên và phố xá
Khu phố cổ Gamla Stan. Ảnh: Thanh Nga
Sau hàng tháng dài mùa đông với những ngày chỉ 4 – 5 giờ ngắn ngủi có nắng, mùa hè là mùa ăn mừng của Stockholm. Người Stockholm trân trọng từng giây phút của những ngày hè, khi cả thành phố tắm trong sắc màu của nắng. Các chậu cây phong lữ đỏ, hồng đong đưa trong các giỏ treo trước cửa tiệm, hoa nở bừng dọc những con đường đá và các toà nhà ở quảng trường chính của khu phố cổ cũng trở nên tươi tắn hơn.
Khu phố cổ Gamla Stan là trái tim của thành phố, nơi Stockholm bắt đầu hình thành từ hơn 800 năm trước. Dạo lòng vòng trong Gamla Stan qua những cửa hàng bé tí, những quán càphê ấm cúng, qua cầu ngang, tôi nghĩ cái danh hiệu thành phố lãng mạn lẽ ra phải thuộc về Stockholm chứ không phải là Paris hay Venice. Người ta gọi thành phố lớn nhất Bắc Âu này là nữ hoàng của phương Bắc. Tôi đến Stockholm cũng nhiều lần, nhưng thành phố chỉ 2,1 triệu dân này chưa khi nào làm tôi phát chán.
Tôi thích cái thân thiện, hiền hoà, yên tĩnh, những người dân nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ... Được xây trên 14 hòn đảo trên bờ biển Baltic của Thuỵ Điển, Stockholm được cấu thành từ 1/3 nước, 1/3 công viên và 1/3 thành phố. Stockholm có tất cả 52 cây cầu bắc ngoắt ngoéo qua những hòn đảo, làm nên cái tên Stockholm với “Stock” nghĩa là gỗ và “holm” là đảo. Đi dọc bờ biển bên ngoài Gamla Stan, thấy lịch sử hàng trăm thế kỷ tan chảy vào cuộc sống hiện đại. Nhất là vào mùa hè, khi người Stockholm đều ra đường: xe đạp để đầy đường, thuyền buồm căng khắp bờ biển, người lớn đứng trên cầu đá câu cá, trẻ con bơi lội giữa kênh.
Thiết kế theo chủ nghĩa tối thiểu
Ở đầu của khu phố cổ Gamla Stan là cung điện Thuỵ Điển, cung điện lớn nhất châu Âu và là một trong những điểm tham quan nổi tiếng của Stockholm. Đối diện cung điện, băng qua kênh, là nhà hát Opera. Gần đó là khu vườn Hoàng gia, nơi thú vị để dạo chơi trong những ngày hè. Đến Stockholm không thể không thăm bảo tàng với số lượng nhiều đến mức bạn khó có thể chỗ nào cũng ghé. Trong số đó đặc biệt nhất là bảo tàng Vasa, nơi lưu giữ con tàu chiến Vasa, niềm tự hào của thuỷ quân Thuỵ Điển, bị chìm khi vừa mới xuất neo năm 1628. Con tàu được trục vớt năm 1961 và cho đến nay đã có hơn 10 triệu du khách vào trong con tàu tham quan.
Thuỵ Điển nổi tiếng với những thiết kế sáng tạo theo chủ nghĩa tối thiểu. Một người bạn Thuỵ Điển giải thích với tôi rằng: “Thiết kế của tụi mình theo kiểu chức năng. Hãy nhìn vào cái bạn cần và bỏ đi cái bạn không cần. Khi không còn gì để bỏ đi thì bạn đã đạt được kiểu thiết kế của Thuỵ Điển”. Tư tưởng đó thể hiện trong từ “lagom” của Thuỵ Điển, nghĩa là “vừa phải”, áp dụng cho mọi thứ từ ăn mặc đến sinh hoạt. 11 giờ đêm, ánh sáng mặt trời cuối cùng của ngày vắt ngang qua làn nước. Cả thành phố vẫn còn được chiếu sáng dù lúc này đã gần nửa đêm. Đó cũng là một điều thú vị của cuộc sống phương bắc, khi mặt trời vắng bóng suốt mùa đông thì nó trở lại với toàn bộ sức mạnh vào mùa hè. Một làn gió nhẹ thổi qua, mang hương hoa tươi và vị mặn của biển. Tôi dừng lại trong giây lát, cố ghi lại cảm giác ấy trong trí nhớ... về một mùa hè ngọt ngào ở Stockholm.
BÀI VÀ ẢNH: THANH NGA
Từ sân bay quốc tế Arlanda cách trung tâm thành phố 40km, bạn có thể đi xe buýt Swebus, hoặc tàu để vào trung tâm. Bạn có thể mua Stockholm card 24 giờ để đi các phương tiện công cộng và bao gồm vé vào cửa cho tất cả các điểm tham quan trong hai ngày. Mặc dù đã gia nhập EU năm 1994 nhưng Thuỵ Điển vẫn giữ đồng tiền riêng krona. Hầu hết các mua sắm của bạn ở đây đều được tính 25% thuế vào giá. Nhớ hỏi lấy biên lai miễn thuế khi mua hàng, bạn sẽ được lấy lại tiền thuế khi rời Thuỵ Điển nếu tổng giá trị mua sắm của bạn trên 200 SEK (khoảng 26 USD).

Không có nhận xét nào: