Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Một Hồ Giáo ở New Zealand


SGTT.VN - Bobbie Moore là nông dân chính hiệu, có trang trại cách thành phố Rotorua khoảng một giờ xe. Nhưng không giống mấy ông ở Sài Gòn lên Bình Dương, Bình Phước mở trang trại. Đó là một người đàn ông cao lớn, dễ thân thiện, phát âm hai tiếng “Việt Nam” thành “Việt Nem”, nên có người đùa bảo ông là dân Phú Yên. Là nông dân, nhưng Moore lại là dân đô thị, có nhà ở Rotorua, thành phố lúc nào cũng bay mùi diêm sinh. Dường như ngày nào, cuối giờ chiều, ông cũng lái xe về Rotorua.
Bobbie Moore, một nông dân thứ thiệt, ở tại thành phố lớn nhất nhì New Zealand – Rotorua
Trang trại của ông là một trong số hàng chục ngàn trang trại ở New Zealand cung cấp sữa nguyên liệu cho công ty sữa đa quốc gia gốc New Zealand lớn hàng đầu thế giới, với giá bốn mươi cent New Zealand mỗi lít (mỗi đôla New Zealand bằng 0,69 USD, tức tương đương 5.400 đồng). Từ khoảng 8 lít sữa này đưa vào sấy, người ta thu được một cân sữa bột.
Khi được hỏi chuyện chất lượng thì sao, Moore trả lời ngay, cũng như hàng chục ngàn trang trại bán hàng cho công ty Fonterra, chất lượng luôn luôn đạt tiêu chuẩn cao nhất. Moore giải thích: “Chúng tôi vừa bán hàng cho Fonterra nhưng cũng sở hữu cổ phiếu trong Fonterra. Cổ phiếu của tôi vào khoảng 2 triệu đô, nên phải bảo đảm uy tín cho công ty của mình”.
Moore hiện có 700 con bò đang cho sữa, mỗi ngày ông vắt sữa chúng hai lượt. Ngay lúc chúng tôi vừa đến thăm, vì có hẹn trước nên ông đón sẵn và không ngần ngại đưa chúng tôi vào “chiêm ngưỡng” ngay cái mâm vắt sữa to lớn của mình, mà ông tự hào là nó được chế tạo tại New Zealand. Đó cũng giống như một sân khấu quay tròn, trên đó bò được lùa vào đứng san sát nhau, cứ 60 con một tour lên “sân khấu”. Có một người đứng ngay chỗ bò từ chuồng ép bước vào “sân khấu”, chuyên gắn hai cái ống hút máy vào vú bò. Hệ thống ống hút được phân bổ dàn đều trên vòng ngoài của mâm “sân khấu”. Một người khác lo chuyện phun nước vệ sinh mâm và chung quanh.
Ở New Zealand các địa danh mang tên bằng tiếng thổ dân Maori đều được giữ nguyên. Rotorua là một trong số đó. Nó vốn có tên đầy đủ là Rotorua-nui-a-Kahumatamomoe, tức Đệ nhị đại hồ của Kahumatamomoe. Thành phố Rotorua nằm trên bờ nam hồ Kahumatamomoe, trong vùng vịnh Bay of Plenty của Bắc đảo, New Zealand. Rotorua được coi là trung tâm của Bắc đảo, cách phía đông thành phố Hamilton 105km và đông nam thành phố Auckland 230km. Hàng thủ công của người Maori thật độc đáo để làm hàng lưu niệm.
Thông điệp đầu tiên mà những con bò cái nhà ông Moore gửi cho chúng tôi là phân. Một con bò thình lình ngay cái đuôi thẳng một góc 90 độ với đùi và phụt thẳng phân vào phía những người khách. Những con bò khác nhanh chóng bắt chước làm theo, theo kiểu đàn cừu Panurge. Ông Moore phải mở cửa exit bên hông để giải thoát đoàn khách từ Việt Nam sang của mình khỏi những thông điệp ấy.
700 con bò sữa và một chiếc máy cày, mấy xe tải nhỏ, nhà xưởng, văn phòng được Moore đầu tư với giá 2,5 triệu đô. Đàn bò này ăn cỏ trên cuộc đất 230ha mà ông nông dân người thành phố này mua với giá 2 triệu đô và mất thêm 4 triệu đô để cải tạo thành đồng cỏ và một số trích ra làm không gian văn phòng, nhà xưởng. Những đồng cỏ mênh mông với những cuộn cỏ khô to như cuộn giấy in xếp dãy dài nằm dọc hai bên đường ở New Zealand trải rộng đến chân trời. Một thiên đường xanh.
Mâm bò chờ vắt sữa của ông Bobbie Moore, mỗi một mâm chứa 60. Mâm quay tròn và người nông dân chỉ việc đứng một chỗ gắn ông hút sữa vào vú từng con bò.
Việc vắt sữa 700 con bò hai lượt mỗi ngày Moore chỉ tốn có hai nhân công và trả lương cho họ từ 50.000 – 100.000 đô/năm. Đặc biệt, do thu nhập có lẽ khá, nên Moore không quan tâm khai thác biogas từ phân bò. Hầm chứa phân của ông dung tích đến 95.000 lít. Cứ đầy thì kêu dịch vụ tới dời đi. Ông Moore tròn mắt ngạc nhiên khi nghe có người hỏi: Thế nhà nước trợ giúp ra sao. Trong đầu ông có lẽ chưa bao giờ nghe đến khái niệm “bao cấp” như thế, ông cho biết là ở New Zealand thì tự nông dân bỏ tiền đầu tư, không dính líu gì tới nhà nước. Toàn bộ vốn liếng của ông hiện nay trị giá khoảng 10 triệu đô.
Tháng 2 năm ngoái Moore thu hoạch được 278.659 lít theo như hoá đơn mà ông cho chúng tôi tham khảo. Mỗi năm ông thu được chừng 2,6 triệu lít sữa. Toàn bộ sữa được công ty Fonterra bao tiêu. 95% sản lượng sữa của New Zealand xuất khẩu. Niềm âu lo của nông dân Moore là tỷ giá đồng đô nước này so với USD đang trồi sụt thất thường. Và có lẽ ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình là anh hùng.
BÀI VÀ ẢNH: KHỞI THỨC

Không có nhận xét nào: