Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Ấm tình quê hương ở That Phanom


SGTT.VN - Từ lúc có chiếc cầu Hữu Nghị 2 ngang qua dòng Mekong, nối đôi bờ Lào – Thái ở Savanakhet – Mukdahan, việc đi lại, du lịch, buôn bán của bà con ba nước Việt, Lào, Thái đã trở nên dễ dàng. Đã có những tour du lịch cho rằng: sáng uống càphê ở Việt Nam, trưa dùng cơm nếp trên đất Lào, tối thưởng thức chén Tomyangcum cay nồng trên đất Thái. Và ở đó có That Phanom nồng ấm tình quê.
Ngôi chùa That Phanom này là nơi thờ phụng của người dân ở hai nước Thái – Lào. Ảnh: Trần Hoàng Bảo
Đến khu chợ Đông Dương sầm uất ở Mukdahan, Thái Lan ngay bên bờ sông Mekong, giờ bạn có thể nghe ríu rít tiếng Việt hoà cùng tiếng Thái, Lào (vốn giống nhau). Lang thang trong chợ vui trên đất Thái, đôi lúc cất câu chào “sawadee!” xong lại bật cười vì gặp ngay bà con mình.
Ngôi chùa lộng lẫy của hai dân tộc
Tuy nhiên, các tour, hay bà con mình đi du lịch bên Thái cũng thường chỉ dừng ở đó, hoặc ngang qua rất nhanh. That Phanom, một thị trấn nhỏ có tên từ ngôi chùa cổ xưa và quan trọng nhất của cả vùng Đông Bắc Thái Lan. Không nói đến sự lộng lẫy của ngôi chùa với toà bảo tháp (stupa) cao 57m, được chạm trổ, cẩn dát công phu và có phần tháp nhọn trên cùng làm bằng 112kg vàng ròng… ngôi chùa Wat Pra That Phanom nổi tiếng vì có lưu giữ xá lợi Phật và theo dân gian truyền miệng. Chùa được xây dựng lần đầu cách đây khoảng 2.500 năm, tám năm sau ngày đức Phật nhập cõi Niết bàn. Ngôi chùa hiện giờ đã được xây đi xây lại nhiều lần. Và như hiện nay, ngôi chùa được xây lại hoành tráng vào thế kỷ 16, bởi vị vua Settatirath của vương triều Lane Xang (Lào). Dù được sửa chữa nhiều lần, ngôi chùa và toà bảo tháp vẫn giữ nguyên nét đặc trưng thanh thoát của các stupa – Lào. Lần sửa chữa gần nhất vào năm 1975, và chùa hiện nay là nơi thờ phụng của không chỉ người dân Thái Lan mà còn cả những người anh em Lào, chỉ cách nhau một dòng sông mẹ Mekong giữa đôi bờ. Ở That Phanom buổi tối, bạn sẽ ngất ngây với ánh vàng toả sáng từ bảo tháp giữa trời đêm; ban ngày toà tháp thanh thoát giữa bầu trời cao xanh. Ngoài ra, That Phanom còn thu hút du khách bởi chiếc cổng chào của thị trấn, một mô hình thu nhỏ của Khải Hoàn Môn (Paris), nằm trên con đường chính của phố, nhìn thẳng vào ngôi chùa Wat Pra That Phanom, những ngôi nhà gỗ truyền thống của đồng bào Thái, những làng nghề đặc sắc… Cách phố vài cây số, chợ phiên của những người Lào bên kia sông với những phẩm vật địa phương dân dã…
That Phanom có Wooden House of Friends
Từ Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị… có xe đi Savanakhet hàng ngày. Hoặc có thể tự đi xe buýt đến cửa khẩu Lao Bảo, sang Lào đi xe về Savanakhet. Từ Savanakhet có xe buýt sang Mukdahan. Từ đây bạn chuyển xe đi tiếp đến That Phanom khoảng hơn 90 phút. Bạn cũng có thể bay sang Bangkok và đi xe buýt lên, từ bến Morchit. Giá xe buýt, dịch vụ ăn nghỉ ở Mukdahan, That Phanom cũng tương tự như ở Việt Nam, có phần dễ chịu hơn tí.
Tôi đến That Phanom khi đêm xuống, vì cũng ham vui lãng đãng mãi ở Mukdahan. Thấy ánh vàng rực rỡ từ trên đường xa, vội vã đi tìm quán trọ, quăng balô vào đó, tôi vội ra đường, thẳng tiến đến ngôi tháp vàng lộng lẫy sáng trưng. Chiêm ngưỡng, sửng sốt và mê mệt quên cả thời gian với Wat Pra That Phanom (Wat có nghĩa là chùa). Khi chùa bắt đầu khép hờ cửa chính, cũng là lúc tôi cảm thấy đói. Theo sách du lịch, tôi định tìm đến quán Go All Night nhưng loạng quạng thế nào, tôi lại vào quán khác cũng gần chùa. Vừa ngồi một tý, bàn kế bên có một anh thấy tôi một mình bèn cười chào, rồi cầm ly sang cụng cái cóc, hỏi “where are you from?”. Rồi anh trợn mắt lên ngạc nhiên khi thấy tôi trả lời, anh hỏi lại mấy lần: “Thiệt không hả?” rồi lôi tôi sang ngồi chung bàn, giới thiệu rôm rả với mấy người bạn. Thì ra anh (tên Thu) là người Việt, sinh ra và lớn lên bên này, còn quán này là của một người cháu họ của anh, bố Việt mẹ Thái. Cuộc chuyện trò hỏi han đủ thứ càng sôi nổi lúc anh Dew, chủ quán đến nhập hội. Cả hai anh, đều trên 40, chưa một lần về Việt Nam, và đang dự định năm tới sẽ về thăm, họ hỏi han tôi đủ thứ chuyện về quê hương. Không chỉ hỏi thăm về các nơi du lịch, cách đi đứng về quê nhà như thế nào, các anh hỏi rất kỹ về cuộc sống của bà con mình, các vùng miền… Và họ không quên việc dặn tôi nếu gặp, hay lên mạng chia sẻ thông tin cho các bạn du lịch đồng hương, bảo các bạn ghé đến đây chơi… Giữa cuộc chuyện trò, các anh không ngừng ép tôi ăn, và cả uống (!)… Rồi kêu tôi về nhà nghỉ – vác đồ sang đây ở luôn, đừng lo lắng gì cả, cứ vui thiệt tình với mấy anh… Các anh cứ chăm sóc, xem tôi như một đứa trẻ dù bộ dạng lang bạt của tôi thì hết chỗ nói rồi!
Chia tay các anh, chia tay That Phanom, đi tiếp bước đường lang bạt. Nhiều lúc tôi tự an ủi mình khi nhớ về đêm nồng ấm tình người ở That Phanom. Lúc nào bạn đến đó, nhớ đừng quên ghé “Wooden House of Friends”, quán nhỏ ven đường của những người anh em mình nhé. Và tôi đoan chắc bạn cũng sẽ khó quên những vòng tay ấm áp tình đồng hương nơi đất khách quê người.
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN HOÀNG BẢO

Không có nhận xét nào: