Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

PERU - NHỮNG KỲ QUAN HUYỀN BÍ - KỲ CUỐI



undefined


Tác giả: Nguyễn Tập
Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Bùa chú
Thấy vẻ mặt ngơ ngác của tôi, chị Dao giải thích: “Chị bị đối thủ cạnh tranh ếm bùa. Họ đổ muối trước tiệm ăn để trù đồ ăn mình nấu luôn bị mặn, thực khách sẽ không muốn vào ăn nữa. Chị phải rắc đường để khử bùa muối đấy”.
Trong khi tôi ngồi đợi chị Dao lau nhà thì có một bà khách bước vào, do trơn nên trượt chân té. Thế là bà ta nằng nặc yêu cầu chị Dao phải hốt đất ngay tại chỗ bị té để bà mang về nhà nhờ thầy cúng niệm chú và chôn đi. Làm như vậy sau này bà mới không bị bệnh tật. Khổ nỗi, sàn nhà chị Dao là gạch bông, lại mới lau, đất làm gì có, vậy mà bà ta cứ quét đi quét lại, cố gắng để lượm được chút xíu bụi đất gói trong miếng giấy rồi mang về.
Có thể mua những lọ bùa chú mọi nơi ở Peru - Ảnh: N.TẬP
Người Peru, đặc biệt là các tỉnh miền núi, rất tin vào tâm linh nên họ cũng sử dụng rất nhiều loại bùa. Trước cửa tiệm ăn, buôn bán, nếu để ý sẽ có thể thấy ngay hai móng sắt của hai con ngựa: một đực, một cái. Một cái hướng ra, một cái hướng vào. Họ hi vọng sẽ có nhiều khách vào cửa hàng mình nhiều hơn (cửa hàng chị Dao cũng có hai móng ngựa sắt này). Có bùa “ếm” cũng có bùa “khử”, vì thế trước cửa nhà họ thường treo tỏi đực để khử bùa ếm của người xấu.
Ông Hugo Apaza Quispe, giáo sư sử học ở thành phố Puno, cho biết: “Để tự bảo vệ bản thân, dân Peru miền núi thường có bùa đựng trong một lọ nhỏ, luôn mang theo bên mình. Lọ bùa đó gồm hạt Cuti màu đỏ có chấm đen để tránh những ghen tị, hiềm khích; cây Murachi được khắc thành hình một đôi vợ chồng có tác dụng bảo vệ hạnh phúc gia đình; một miếng nam châm để hút những kim loại như tiền, đồng, vàng, bạc vào gia đình. Cạnh đó, còn có bảy loại gỗ khác nhau để tránh bảy loại điềm gở như bệnh tật, sa sút trong làm ăn...”.
“Bác sĩ” cuy và cánh tay trẻ sơ sinh
Khi mệt mỏi mà không biết nguyên nhân, đi bác sĩ cũng tìm không ra, nhiều người thường tìm con “cuy” (một loài họ chuột) màu đen tuyền để chữa bệnh. Vào thứ ba và thứ sáu hằng tuần (đối với người Peru đó là những ngày “phù thủy”, mọi chuyện liên quan đến tâm linh phải thực hiện vào ngày này mới linh nghiệm), họ cầm con chuột sống xoa khắp người bệnh nhân để nó “hút” hết những bệnh tật của họ ra. Sau đó, họ chặt phăng đầu, thấy máu đen sì tức là độc đã ra khỏi bệnh nhân và vào máu con cuy.
Điều này chính bà Karin Muller - người đi dọc dãy núi Andes qua các nước Chile, Ecuador, Brazil, Peru - cũng mô tả cách chữa bệnh bằng con cuy trong quyển sách nổi tiếng Along the Inca road: “Ông thầy lang cầm con cuy đập vào lưng và đầu của bà ấy, rồi sau đó chẩn bệnh dựa trên chất lượng bộ ruột của nó”.
Rùng mình hơn, người Peru miền núi tin rằng cánh tay của trẻ sơ sinh có tác dụng mời gọi khách hàng. Vì thế, tại rất nhiều cửa hàng ăn họ luôn bí mật buộc cánh tay của trẻ sơ sinh vào bó hoa Ruda (một họ hoa cải). Vừa mở cửa hàng, bao giờ họ cũng quét dọn sạch sẽ và vảy nước hoa Ruda trước cửa, trong nhà bếp, khắp nơi trong nhà ăn… để hi vọng một ngày đắt khách.
Những cánh tay trẻ sơ sinh thường được mua chui từ bác sĩ hoặc các phòng nạo thai với giá khoảng 100 USD/cái. Dù điều này họ luôn giữ bí mật nhưng dân buôn bán không ai không bết. Tôi hỏi nhỏ chị Dao: “Hỏi thật, chị có cánh tay trẻ sơ sinh nào không?”. Chị nhăn mặt: “Mình thấy dã man quá nên không sử dụng”. Cách nay không lâu báo chí Peru đăng tin rầm rầm về vụ có một chiếc xích lô tông vào một xe bán nước Chicha (một loại nước giải khát lên men từ ngô hoặc từ hạt Kinoa). Thùng nước vỡ toang, lòi ra một bàn tay trẻ sơ sinh.
Bào thai con alpaca, llama dùng để cúng trả nợ đất bán nhan nhản tại các chợ ở Peru - Ảnh: N.TẬP
Trả nợ đất mẹ
Tiệm ăn của chị Dao khá đông khách nên tôi ngồi luôn ở quán nói chuyện với chị cho tiện. Sàn nhà mới lau sạch bóng hồi nãy chỉ vài giờ đã vương đầy thức ăn, nước. Thoạt đầu tôi cứ nghĩ có lẽ tiệm ăn gần chợ, khách chủ yếu là người lao động chân tay nên hơi dơ. Tuy nhiên, có điều lạ là từ bà già bím tóc bận bộ đồ truyền thống cho đến ông khách vận complet, xách cặp samsonite trước khi ăn uống đều rải xuống đất một ít thức ăn.
Tôi thắc mắc với chị Dao: “Sao chị không để dưới bàn cái thau để họ đổ thức ăn vào đấy?”. Chị Dao cười lớn: “Bậy! Tập quán của người Peru đấy. Họ quan niệm sinh ra, lớn lên, rồi chết cũng từ đất mẹ. Vì thế, rải thức ăn xuống đất trước bữa ăn là để cảm ơn đất mẹ”.
Người Peru có lễ trả nợ đất mẹ (Paga Santa tiera pachamama) vào tháng tám hằng năm, vì người ta cho rằng thời gian này đất mẹ “đói”, luôn muốn “ăn” lễ vật nhất. Ngày xưa, người Peru thường trả nợ đất bằng các loại gia súc thân thiết trong cuộc sống hằng ngày như alpaca, llama (một loài thuộc họ lạc đà)… Ngày nay, điều đó được “giản tiện” hơn là chỉ cần cúng trả nợ đất bằng bào thai của chúng (bán nhan nhản ngoài chợ).
Đất mẹ đối với người Peru cực kỳ thiêng liêng nên lễ trả nợ đất luôn là những phẩm vật, món ăn ngon nhất. Và một số người Peru (nhất là đối với dân đào vàng) tin rằng bào thai trẻ sơ sinh chính là món ăn ngon nhất. Vì thế, họ trả nợ đất cũng bằng bào thai trẻ sơ sinh hoặc thậm chí cả trẻ con, nhất là con trai. Trẻ con ở đây quá đông, đẻ ra rất nhiều nhưng không có khả năng nuôi nên chuyện xin trẻ con hoặc bỏ số tiền nhỏ là có thể mua được.
Dĩ nhiên, những điều này là phạm pháp, nhưng tại những vùng núi hẻo lánh, xa xôi chính quyền ít kiểm soát được. José, một người dân vùng Saman (huyện lỵ của Puno), cho biết làng anh ta có tục lệ trả nợ đất bằng người sống. Một lần, chính José đã chứng kiến người dân trong làng trả nợ đất bằng cách đẩy một người vào một cái hố lớn đầy củi, than để thiêu sống!
Những tập tục từ ngàn xưa của người Peru vẫn còn giữ cho đến ngày nay.

Không có nhận xét nào: