Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

“Lời cảm ơn” từ Okageyokocho



Đến Okageyokocho (nằm ở quận Mie, Nhật Bản, cách Tokyo 400km về phía Tây Nam) vào một sáng tháng Tư, nhóm phóng viên đến từ các nước ASEAN chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy những người đàn ông trong bộ áo choàng trắng đi lại hối hả trên đường, bên đó nhiều khách bộ hành đang mải mê mua sắm tại các cửa hàng nhỏ nằm nối tiếp nhau trên những con đường trông giống một thành phố cổ…
Sau khi tìm hiểu mới biết khu vực này đang trong mùa lễ hội “thay gỗ” cho ngôi đền Ise nổi tiếng ở kế bên. Còn Okageyokocho thì “đích thị” là một phiên bản của các khu phố Ise dưới thời Edo cách đây đã hơn 200 năm (1600-1868).
Và sự ra đời cũng như phát triển của Okageyokocho gắn liền với ngôi đền nổi tiếng thờ Thần Đạo thiêng nhất ở Nhật Bản, nơi thờ nữ thần Mặt trời Amaterasu – người đã sinh ra Nhật hoàng đầu tiên của dân tộc Nhật Bản. Dưới thời Edo, mỗi năm có 6 triệu người hành hương đến ngôi đền này và có rất nhiều người đã dành thời gian ghé thăm thị trấn Oharai kế bên. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, lượng khách đến Oharai giảm dần. Người ta thường chỉ đến thăm ngôi đền để cầu nguyện sau đó đi thẳng và ra về mà không hề đếm xỉa đến Oharai xinh đẹp. Oharai thậm chí đã bị đặt biệt danh là “điểm du lịch mà thời gian khách ở lại ngắn nhất”!
Trăn trở trước thực tế nói trên, ông chủ Công ty bánh kẹo Akafuku nổi tiếng ở quận Mie đã tìm cách để làm sống lại tên tuổi của thị trấn với dự án xây dựng một khu tổ hợp buôn bán có tên là Okageyokocho. Dự án được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa ý tưởng kinh doanh của Akafuku và sáng kiến và thiện chí hiến tặng đất của những người dân địa phương. Dự án được trình lên chính quyền địa phương và chính thức được đưa vào hoạt động từ tháng 7/1993.
Với số vốn xây dựng khoảng 14 tỷ Yên, hoàn toàn do công ty Akafuku tài trợ, Okageyokocho là một khu tổ hợp bao gồm 43 cửa hiệu là những căn nhà gỗ được xây theo kiểu truyền thống tái hiện thị trấn dưới thời Edo trên nền diện tích chỉ 8.910m2. Đây là nơi tập hợp tất cả các loại đặc sản của vùng, từ bánh kẹo cho đến chè, đồ thủ công và các đồ điêu khắc. Như một hội chợ không thu vé vào cửa, nhưng đây cũng là một thành phố thu nhỏ với rạp hát có bán vé, khu trưng bày và các lễ hội được tổ chức để thu hút du khách.
Để lựa chọn các chủ cửa hàng, gia đình Akafuku và bản thân nhân viên công ty sẽ đích thân nghiên cứu sản phẩm của các doanh nghiệp, sau đó “mời” họ làm chủ cửa hàng. Hoạt động kinh doanh ở đây, các chủ cửa hàng chỉ phải nộp cho công ty Akafuku một phần lợi nhuận mà không phải đóng tiền thuê địa điểm hay nhà xưởng. Lượng khách hàng ngày một tăng cùng với môi trường làm việc thú vị đã khiến trong vòng 15 năm qua, không ai muốn rời khu vực xinh đẹp này.
Vào mùa vắng khách (đặc biệt trong mùa mưa), Okageyokocho tổ chức các lễ hội để thu hút khách du lịch. Lễ hội “thay gỗ” mà chúng tôi đã gặp ở trên là lễ hội đặc biệt nhất chỉ 20 năm mới có một lần, trùng với thời điểm xây dựng lại ngôi đền chính làm bằng gỗ ở Ise. Những ngày này, có rất đông người đến Oharai để tình nguyện đăng ký tham gia đoàn “rước gỗ” dựng đền. Những người này đều là nam giới, khỏe mạnh, và khi thực hiện công việc thiêng liêng này đều phải mặc bộ quần áo choàng dài màu trắng. Sau khi gỗ của đền chính được thay, số gỗ cũ này được chuyển đến 125 ngôi đền khác có liên quan tới đền Ise trên khắp nước Nhật…
Những nỗ lực của cá nhân và cộng đồng dân cư đã có kết quả. Nếu như lượng du khách đến đền Ise không thay đổi nhiều thì số người thăm Okageyokocho tăng lên hàng năm. Năm 1985 khi thành phố chưa được xây dựng, lượng khách chỉ khoảng 200.000 người/năm. Năm 2005, con số du khách đã lên đến 3,4 triệu. Hầu hết du khách cho biết, họ đến đây vì cảm giác có được một không gian yên bình, thoáng đãng, và cơ hội được thưởng thức các sản vật của địa phương.
Okageyokocho, lấy theo tên một lễ hội lớn dưới thời Edo có tên là Okage Mairi, hay là sự tôn kính biết ơn đối với ngôi đền, nhưng theo tiếng Nhật có nghĩa là “Lời cảm ơn gửi tới” – chính là lời cảm ơn của công ty Akafuku vì đã có thể duy trì hoạt động tại Oharai kể từ ngày thành lập (cách đây đã hơn 300 năm). Còn với chúng tôi thì cảm thấy thấm thía hơn với khái niệm “thành phố bền vững – nơi mà các hoạt động kinh doanh, sản xuất, hoạt động sống và các hoạt động văn hóa phát triển hài hòa và có sự hỗ trợ lẫn nhau kết hợp với mục đích bảo tồn thiên nhiên” như lời giảng viên đã nói. Bản thân tôi thì tự hỏi bao giờ tại Việt Nam sẽ có một khu phố cổ kiểu Hội An nhưng lại là nơi mà du khách có thể vừa thưởng thức bánh bột lọc Huế lại vừa nghe quan họ Bắc Ninh sau đó đi ngắm gốm Bát Tràng…?
Kim Chung

Không có nhận xét nào: