Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Làng nổi Kampong Ayer ở Brunei

Không giống hình dung về những khu nhà trên mặt nước lụp xụp như ổ chuột, Kampong Ayer sạch sẽ, có những khoảng sân rộng và lối đi chung được trồng rất nhiều hoa và cây cảnh.
Từ một thánh đường Hồi giáo lộng lẫy, chỉ bước qua chiếc cầu bê tông hẹp là đã đặt chân vào thế giới khác – một thế giới nổi trải dài trên sông Brunei có tên gọi Kampong Ayer – nghĩa là “Làng Nước”. Kampong Ayer hiện là làng nổi lớn nhất trên thế giới, có khoảng 30 nghìn cư dân sinh sống trong hơn 40 làng với những ngôi nhà cách mặt nước chừng 2 m.
Kampong Ayer cho ta cảm giác vừa lạ vừa quen. Quen bởi như ta đang xuôi qua những xóm ấp vùng sông nước Cà Mau. Còn lạ bởi mặt tiền những ngôi nhà ở làng nổi Kampong Ayer không bung ra đường sông – nơi lưu thông của các phương tiện thủy hoặc nơi người dân chật vật bám lấy sông mà sống với những hàng quán, bán – mua như ở ta…
Đó là do cư dân làng nổi được nhà nước “chăm bẵm” khá tốt nhờ vào nguồn thu lớn từ dầu lửa. Mặt khác, họ còn được hưởng nhiều dịch vụ miễn phí từ nhà nước như giáo dục, y tế, người già được hưởng trợ cấp. Làng được chu cấp đầy đủ với cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, thánh đường…Vậy nên dân làng nổi sống khá thong dong, rất nhiều người trong làng hàng ngày vào đất liền làm việc trong các công sở.
Khác với vẻ bề ngoài của làng có phần lụp xụp như những “khu ổ chuột”, không gian bên trong làng lại rất… xịn, mọi nhà đều đầy đủ tiện nghi hiện đại. Từng ngôi nhà ở Kampong Ayer có sự gắn kết, nối liền với nhau bằng hệ thống đường bộ được nhà nước Brunei làm bằng một loại gỗ đặc biệt trên đảo Borneo.
Mặt tiền từng ngôi nhà hướng ra con đường gỗ trông mảnh mai nhưng vững chãi và sạch sẽ. Tuy sống trên sông nước nhưng hầu như gia đình nào cũng có ôtô và họ để ở bãi xe gần nhất trên đất liền. Phía sau mỗi căn nhà đều có bến thuyền, hàng ngày họ đón “taxi nước” (loại thuyền gắn máy) vào bờ và lấy xe đi làm. Nghe nói có đến hàng trăm chiếc “taxi nước” hoạt động liên tục phục vụ việc di chuyển của cư dân làng nổi, trong khi trên đất liền số taxi chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cảnh sống dân dã nhưng cũng rất lãng mạn với những khoảng sân rộng và lối đi chung được trồng rất nhiều hoa và cây cảnh. Cư dân làng nổi rất chú trọng trang trí cho ngôi nhà của mình. 
Trong Bảo tàng Công nghệ Brunei chiếm một diện tích lớn trưng bày và mô phỏng ký ức sống của dân làng nổi. Với bề dày lịch sử hơn 1.300 năm mà khởi dựng chỉ là những nhóm người nhỏ – cũng là những cư dân đầu tiên của Vương quốc Brunei – sống rải rác trên đảo Borneo, đến sự phát triển độc đáo và bản sắc như ngày nay, Kampong Ayer là niềm yêu quý và đầy tự hào của người dân Brunei. Dù giờ đây, chỉ còn chừng 1% dân số làng làm nghề đánh bắt, con cháu của làng nổi nhiều người khá giả, nhưng họ luôn yêu làng như máu thịt của mình và không muốn rời lên đất liền với bao tiện lợi, trong đó có cả những gia đình thuộc dòng dõi hoàng tộc.
Yêu Kampong Ayer nên từ những thần dân cho đến Quốc vương đều chăm chút để làng nổi này luôn giữ được vẻ độc đáo, là biểu tượng của lịch sử và văn hóa Brunei. Đó cũng là cách bảo vệ “di sản sống” quý báu của Brunei, để dù bất cứ ai đặt chân đến đất nước này cũng đều không thể bỏ qua Kampong Ayer. 
Theo VnE

Làng nổi lớn nhất thế giới ở Brunei
TTO - Một trong những điểm “phải đến”, “phải thăm” khi bạn đến với Brunei chính là làng nổi Kampong Ayer. Làng nổi lớn nhất trên thế giới này được xem là biểu tượng của lịch sử, văn hóa và sự phát triển của đất nước Brunei.

Kampong Ayer, theo một số tài liệu cổ xưa thì đã bắt đầu hình thành rất sớm, khoảng 1.500 năm trước. Tuy vậy, ban đầu chỉ là những nhóm người nhỏ, sống rải rác trên đảo Boneo, lo sợ thú dữ và hiểm họa trên mặt đất nên đã dựng nên những căn nhà sàn đầu tiên trên mặt nước để trú ngụ. Sau này, khi đế chế Brunei dần được hình thành, ngôi làng này ngày càng rộng lớn hơn và những cư dân đầu tiên ở đây cũng chính là những cư dân đầu tiên của vương quốc Brunei.
Thế kỷ 14 đến 16 là thời kỳ thịnh vượng nhất của Brunei, và cũng là của Kampong Ayer khi làng nổi này trở thành trung tâm kinh tế, hành chính, là kinh đô của đế chế Brunei thời bấy giờ.
Các ngôi nhà trong làng cũng như giữa các làng với nhau được nối kết chặt chẽ bởi hệ thống các đường đi bằng gỗ, gọi là jembatan.
Ước tính có đến gần 50km đường bằng gỗ nối kết trong làng và giữa các làng.

Tất cả các ngôi nhà và các công trình công cộng trong làng đều được xây dựng bằng gỗ Mangrove, một trong những loại gỗ đặc biệt trên đảo Boneo. Loại gỗ đặc biệt này được dùng làm cột chống nhà, rất cứng và chắc chắn, có thể nâng trọng lượng một ngôi nhà khá nặng, đồng thời có thể chịu được sự ảnh hưởng của nước hàng trăm năm mà vẫn bền vững.
Tất cả các ngôi nhà đều chú ý phần trang trí mặt trước, có khoảng sân rộng để trồng hoa, cây kiểng. Nội thất trong nhà tuy có hơi tềnh toàng bởi phong cách sống khá dễ chịu của người Brunei, nhưng các phòng ốc đều được bố trí rõ ràng bao gồm phòng khách, phòng ngủ cho gia chủ, các con, nhà bếp riêng biệt.
Tất cả các ngôi nhà đều cao hơn mặt nước vào khoảng 2 mét, nối liền với nhau, tạo không gian sống khá thân thiện, gần gũi của tất cả cư dân.
Nơi đây cuộc sống khá thanh bình, người dân xa lạ với trộm cắp và tệ nạn, ai ai cũng vui vẻ gần gũi với nhau.

Bà Yusuf, năm nay 45 tuổi, là chủ của một trong những ngôi nhà lớn nhất trên làng nổi, đã sinh sống ở đây từ khi mới chào đời. Bà nói, cha mẹ, ông bà của bà đã sinh sống ở đây, và bà nghiễm nhiên yêu ngôi làng này từ trong máu thịt của mình. Kinh tế dần khá giả, bà và gia đình đã có thêm một căn nhà lớn trên đất liền, nhưng hầu hết mọi người đều thích về đây sinh sống vì thoáng đãng, mát mẻ, đồng thời có không khí thân thiện, chân tình của hàng xóm xung quanh.
Đến thăm nhà bà, chúng tôi còn được thưởng thức món bánh ngọt truyền thống của nguời Brunei được làm bằng bột gạo, có hương vị và màu sắc như bánh thuẫn ở Việt Nam, vị ngọt và rất thơm.
Có đến hơn 30 ngàn dân, tương đương với khoảng 10% dân số Brunei sinh sống ở làng nổi. Cuộc sống ngày càng cải thiện, phần lớn người dân ở đây đều đã có thêm những ngôi nhà hiện đại và tiện nghi trong đất liền, nhưng họ đều thích sống ở đây.
Hàng ngày, cư dân trong làng di chuyển từ làng ra đất liền để làm việc bằng phương tiện duy nhất là taxi nước (Water taxi hay còn gọi là Tambang).
Có đến khoảng 90 hãng taxi nước và hơn 500 chiếc taxi hoặc động ngày đêm phục vụ di chuyển cho cư dân ở đây, hơn gấp đôi số taxi hoạt động trên đất liền. Từ bến tàu ngay trung tâm thành phố, du khách có thể quan sát hàng trăm chiếc taxi nước hoạt động ngày đêm để hình dung cuộc sống nơi đây náo nhiệt và sôi động vô cùng.
Với người dân Brunei, Kampong Ayer là tất cả niềm tự hào lớn lao. Đó là lịch sử, là văn hóa, là truyền thống, là điểm khởi đầu cũng như là bệ phóng của sự phát triển làm nên đất nước Brunei giàu có bây giờ.
HUỲNH THU DUNG

Không có nhận xét nào: