Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Cuối tuần leo núi Munsu


TTO - Tháng tư, thời tiết không quá lạnh, đủ ấm và khô để người dân xứ sở kim chi bắt đầu mùa leo núi với những cuộc hành trình đều đặn mỗi tuần…
Trên con đường mòn dẫn lên đỉnh núi - Ảnh: Nguyễn Dịu

Sau nửa năm sống với... rét, tuyết lạnh và mưa phùn, tháng tư về đem đến một hình ảnh đất nước Hàn Quốc ấm áp, rực rỡ muôn màu hoa. Người dân Hàn chọn thời điểm này để “khai xuân”, bắt đầu những mùa lễ hội, nghỉ ngơi dưới gốc anh đào, cũng như mở màn hoạt động leo núi hằng năm của mình.
Đặt chân lên xứ Hàn, địa hình đặc thù đã cho tôi những bất ngờ đầu tiên, đó là khả năng đi bộ, vượt dốc và hình ảnh núi đồi ngay trong thành phố. Đó có lẽ là lý do để người dân xứ sở Cao Ly yêu thích và thường xuyên leo núi.
Dụng cụ leo núi được bán đầy đủ ngay dưới chân núi - Ảnh: Nguyễn Dịu
Bạn có thể xem bản đồ đường đi, biển chỉ dẫn ở chân núi hoặc các điểm rẽ dọc đường - Ảnh: Nguyễn Dịu

Đa số người Hàn Quốc leo núi hằng ngày, hằng tuần và coi đó như một môn thể thao hữu ích.
Những bông hoa tự nhiên có rất nhiều hai bên đường - Ảnh: T.Dũng

Nếu ở phương Tây, Nhật Bản hay Việt Nam, người ta phải mua vé để vào các khu du lịch leo núi thì ở Hàn Quốc, núi nằm xen trong thành phố, không mất phí và khoảng cách lại rất gần.
Khi nói đến du lịch, người ta vẫn bảo “đến xứ Hàn mà chưa leo núi thì coi như chưa từng đến”. Theo cách nghĩ đó, sau gần một tháng đặt chân lên xứ sở kim chi, nhóm du học sinh chúng tôi quyết định tổ chức chuyến leo núi đầu tiên với ngọn núi Munsu quen thuộc nằm ngay trong thành phố.
Con đường mòn lên núi Munsu - Ảnh: T.Dũng

Núi Munsu nằm bên cạnh sân vận động quốc gia Munsu (nơi từng tổ chức World Cup 2002) và Trường đại học Ulsan (một trong hai trường có lượng sinh viên Việt đông nhất tại Hàn Quốc).
So với hàng trăm ngọn núi trên cả nước, Munsu không quá nổi tiếng, với độ cao ở mức trung bình. Nhưng do đường mòn thoải và nhiều cảnh đẹp, nó là địa chỉ leo núi quen thuộc mỗi dịp cuối tuần của người dân Ulsan, thành phố biển phía đông nam Hàn Quốc này.
Chùa Munsu nằm lưng chừng núi. Đây là địa danh không thể bỏ qua để tìm hiểu về văn hóa Phật giáo đất nước Hàn Quốc - Ảnh: Nguyễn Dịu

Mùa này thời tiết vẫn còn giá lạnh nên chúng tôi quyết định xuất phát lúc 9g30 sáng.
Giống như nhiều ngọn núi ở Hàn Quốc với nhiều đoạn đường chỉ toàn vách đá, để leo được lên đỉnh Munsu mọi người phải chuẩn bị giày đế cứng và vải mềm để thoải mái nhất.
Đường mòn lên đỉnh Munsu không quá dốc với đoạn đường dài gần 6km. Dọc đường, không cần tinh ý cũng cảm thấy thú vị với cách tạo lập đường leo núi của người dân nơi đây.
Con đường mòn được xen cấy các điểm dừng chân với khoảng cách vừa đủ cho sức. Tại mỗi điểm đều có dụng cụ thể dục nhẹ nhàng và khoảng đất đủ rộng để cả nhóm ngồi lại nghỉ ngơi, ăn trưa nếu đã đến giờ. Đường đi cũng được thiết kế khác nhau mỗi đoạn, khi thì bằng gỗ, rễ cây, đá, hay xây bằng gạch…
Con đường trở về hiểm trở hơn với nhiều dãy đá sừng sững… Ảnh: Nguyễn Dịu

Ngắm phong cảnh từ đỉnh núi Munsu - Ảnh: Nguyễn Dịu

Mỗi người một balô, chúng tôi đem theo đồ ăn, bánh kẹo, tất nhiên không thiếu nước uống. Thường người dân Hàn Quốc mang các đồ ăn tiện lợi như cơm cuốn kibap, thịt nướng và đồ uống thường thấy là rượu gạo loãng truyền thống Makkoli.
Dọc đường, thỉnh thoảng lại gặp các nhóm leo núi cắm trại tại những khoảng trống để nghỉ ngơi, thư giãn cho đến khi trời gần tối.
Người Hàn Quốc coi việc leo núi chỉ như một cách thư giãn, rèn luyện ý chí và sức khỏe. Riêng chúng tôi, lần đầu tiên thử sức nên tất cả đều kiên quyết leo đến đỉnh.
Rất nhiều cửa hàng nhỏ dưới chân núi để bạn có thể mua đồ lưu niệm - Ảnh: Nguyễn Dịu

Hì hục gần 3 giờ vượt dốc cuối cùng cả nhóm cũng lên tới đích. Cắm trại nghỉ ngơi, chụp ảnh và được ngắm cảnh thành phố sau một hành trình khám phá đầy thử thách cho "dân tay ngang" lần đầu leo núi nhưng ai cũng cảm thấy thú vị, bao mệt nhọc bỗng chốc như tan biến... 
NGUYỄN DỊU

Không có nhận xét nào: