Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Thánh địa Delphi dìu dặt giữa mộng và thực


 

(VOV) - Làm sao nói hết được niềm cảm khái trước dấu tích thánh địa Delphi. Mấy ngàn năm rồi, còn đây vết tích một thời rực rỡ.
Tôi ước mơ được đến thánh địa Delphi để chiêm ngưỡng nơi nhà hiền triết Socrates đã học được phương châm: Hãy tự biết mình; nơi Đại đế Alexander ép Thánh nữ phán bảo ngươi là kẻ bất khả chiến bại để mạnh tay thực hiện cuộc chinh phục vĩ đại, nơi mà từ mấy ngàn năm trước lễ hội tôn vinh thần Apollo đã phát huy rực rõ nền văn hoá nghệ thuật đầu tiên của văn minh phương Tây.

Delphi, Thánh địa của thần Mặt Trời

Từ thủ đô Athens, xe buýt đi khoảng ba giờ thì đến thánh địa Delphi, đường dài 180km. Xa thấy dáng núi Parnassus lòng tôi bồi hồi. Ngọn núi Hy Lạp thần thoại đây rồi. Lưng chừng triền núi, xe dừng lại. Xa xa là biển xanh, vịnh Corinth của biển Aegea. Trên cao là di tích Hy Lạp cổ với những cây cột đá, nhìn rất thân quen. Tôi đang trong giấc mơ chăng! Biết bao nhiêu thần thoại lồng ghép khít khao với lịch sử cổ Hy Lạp. Đây là điểm sáng đầu tiên của lịch sử phương Tây và loài người.
Theo truyền thuyết, Delphi là nơi gặp gỡ của hai chim đại bàng do thần Zeus, vị thần quyền duy nhất, thả ra từ hai nơi xa thẳm bay hướng về nhau. Đây là cái rốn của vũ trụ, là nơi thờ Apollo, con của thần Zeus và nữ thần Leto. Apollo là thần Ánh Sáng và Mặt Trời, thần Thơ và Nhạc, thần của nghệ thuật và của sự hài hoà. Mới lọt lòng mẹ vài ngày, Apollo đã rời khỏi đảo Delos đi tìm một nơi vừa ý để lập đền thờ mình. Thần đã ngao du toàn cõi Hy Lạp. Cuối cùng đến vùng đồi ở lưng chừng núi Parnassus, thần rất đẹp ý. Nơi đây vốn thuộc nữ thần Gaia (thần Đất) do rồng thần Python trấn giữ. Apollo giết chết Python chiếm lấy đất này. Sau đó và chị Artemis (thần Mặt Trăng) phải rời núi Olympus, đến phục vụ tại triều vua Admetus để sám hối tội lỗi. Trong Thánh ca dâng thần Apollo, thi sĩ huyền thoại Homer kể chuyện lần đầu tiên Apollo đến nơi này dưới dạng con cá heo (Delphus) hướng dẫn các tu sĩ từ đảo Crete đến đền Tiên Tri. Từ đó có tên gọi Delphi. Dần dần, Apollo trở thành thiêng liêng, thần luôn phán bảo sự thật. Apollo được tôn vinh hơn hết các vị thần.
Thánh địa Delphi là một trong những di tích quan trọng nhất của nền văn minh Hy Lạp. Bao nhiêu quyết định chính trị quan trọng đều được hỏi Tiên Tri. Từ một làng nhỏ trở thành đất thiêng, cái nôi của kiến trúc và văn hoá nghệ thuật Hy Lạp cổ. Nhiệm vụ của đất thánh lớn dần qua nhiều thế kỷ: nhiều cuộc thi đấu thể thao, các lễ hội Delphi về văn hoá nghệ thuật. Quan trọng nhất là các lễ hội Pythia, tôn vinh thần Apollo đã giết rồng thần Python. Để đủ sức tiếp nhận sự biết ơn của các thành – bang và tất cả các hoạt động văn hoá, thánh địa thiết kế một quần thể: nhà hát, đấu trường, các kho tàng. Các kiến trúc nổi bật gồm đền thờ Apollo, nhà hát cổ, đấu trường, kiến trúc Tholos, dòng suối Kastalia và các kho tàng dọc theo con đường thần thánh.

Đền thờ thần Apollo, thiêng nhất toàn cõi Hy Lạp

Men theo con đường thiêng liêng, leo dốc thoai thoải quanh co, hai bên nhan nhản những tảng đá lăn lóc, hẳn là rớt ra từ những công trình xây dựng cổ xưa. Tôi dừng lại nhìn ngắm, ngậm ngùi man mác. Đền thờ Apollo trước mắt tôi là dấu vết của một kiến trúc kiểu Doric từ thế kỷ IV trước Thiên Chúa (tr.T.C). Nó được xây trên dấu tích của một công tình vào thế kỷ thứ VII tr.T.C… Đền bị phá huỷ do trận động đất năm 373, được xây lại lần thứ ba vào năm 330 tr.T.C… Đền có 6 cột theo chiều ngang và 15 cột theo chiều dài. Còn tồn tại đến nay có vài cây cột Doric làm bằng đá ong và đá vôi. Công trình đã được phục chế một phần vào các năm gần đây.
  Đền thờ thần Apollo cùng hàng cột Doric và nhà hát Delphi với các ghế đá (ảnh 2004)
Là thần Ánh Sáng, ban cho sự sống, sức khoẻ và điều tốt cho loài người, Apollo được thờ phụng khắp nơi. Apollo là thần của văn minh, đạo lý. Thần chiến đấu chống lại sự man rợ, sự xấu xa. Cũng là thần Âm Nhạc, Apollo thường được thể hiện đang chơi đàn. Thần cũng tượng trưng cho sự hài hoà, trật tự và lý trí, ngược lại với Dionysus, thần Rượu, tượng trưng cho khoái lạc và lộn xộn. Người Hy Lạp cho là hai thần anh em này bù đắp cho nhau: Apollo vào mùa đông đến nơi luôn có ánh sáng, nhường thánh địa Delphi lại cho thần em Dionysus.

Đền Tiên Tri Delphi và cuộc phế hưng

Bên trong đền Apollo, xưa kia là bệ thờ, trung tâm của đền Tiên Tri và chỗ ngồi của Thánh nữ. Delphi được coi là đền Tiên Tri thiêng liêng nhất thời cổ Hy Lạp. Vị Thánh nữ được gọi là Pythia. Một người nữ trên năm mươi, đồng trinh chọn lựa từ nông dân trong vùng. Thần Apollo truyền đạt thông qua Thánh nữ Pythia. Lời của Thánh nữ thường bí ẩn, phải được tu sĩ của đền thờ diễn dịch cho người khấn cầu. Có thể hỏi bất kỳ điều gì, từ chuyện đại sự quốc gia cho đến chuyện cá nhân riêng tư. Triết gia Hy Lạp nổi tiếng Plutarch từng là tu sĩ của đền, đã kể lại nhiều chuyện.
Đền Tiên Tri có ảnh hưởng sâu xa trên toàn cõi Hy Lạp. Trước khi có quyết định về các vấn đề sống còn: tiến hành các cuộc chiến, đi khai thác các thuộc địa… phải hỏi đền Tiên Tri. Các xứ sở ở gần Hy Lạp cũng rất kính trọng đền Delphi. Ban đầu, mỗi năm đền Tiên Tri trả lời một lần vào ngày sinh của thần Apollo. Về sau, trả lời hàng tháng. Vào ba tháng mùa đông, Apollo rời thánh địa. Thần Dionysus thay thế, được cúng tế bằng các đại tiệc trên núi Parnassus và tại thánh địa.

Chuyện về Socrates, “Hãy tự biết mình”

Tôi rất thú vị khi nghe vài chuyện về đền Tiên Tri. Năm 440 tr.T.C một người bạn của Socrates đến hỏi Thánh nữ Pythia, “Có ai đương thời cao siêu hơn Socrates”. Câu trả lời rất gọn: “Không”. Socrates nói ông ta hơn người khác là ở chỗ chỉ riêng ông biết sự dốt nát của chính mình. Ông thú thật đã học được phương châm nổi tiếng của đền Delphi: “Gnothi Seauton” – “Hãy tự biết mình”. Lúc đó Socrates khoảng ba mươi, chưa thành danh. Phải chăng khi khuyến khích thiên bẩm triết lý của Socrates, Tiên Tri đã gây dấu ấn lớn nhất cho tương lai của nhiều nền văn minh tiếp nối nhau qua triết gia Socrates.

Đại đế Alexander, người chinh phục vĩ đại

Năm 336 tr.T.C, vị vua trẻ Alexander xứ Macedonia đến Delphi hỏi vận mệnh trước khi tấn công đế quốc Ba Tư. Thánh nữ vẫn nín lặng, không nói điều gì. Vua Alexander giận dữ nắm tóc Thánh nữ lôi ra khỏi điện thờ, Pythia thốt lên: “Buông ta ra, người thì bất khả chiến bại”. Vua buột miệng: “Ta có được câu trả lời rồi”. Liền sau đó Đại đế Alexander đánh chiếm Ba Tư oanh liệt, chinh phục châu Á.
Các kho tàng
Leo lên theo triền núi hướng về đền thờ thì gặp nhiều kho tàng. Các kho này do nhiều thành – bang xây dựng để mừng chiến thắng và để đền ơn Tiên Tri đã cho lời khuyên thắng lợi. Ấn tượng nhất là kho tàng của thành Athens, nay đã được phục chế, ghi lại chiến công thắng trận chiến Marathon. Người Athens đã được Tiên Tri dạy tin tưởng vào “các bức tường gỗ”, ngụ ý là các chiến thuyền, họ đã thắng trận ở Salamis. Kho tàng rộng nhất và quý báu nhất là Argos.
Đền Tiên Tri trải qua nhiều cuộc thăng trầm. Các vua xứ Macedonia đã tận dụng đền, lấy kho tàng chi cho chiến trận. Các rợ thì đến xâm chiếm, cướp bóc và đốt phá. Khi Nero đến Hy Lạp vào năm 66 sau Thiên Chúa (s.T.C), bạo chúa đã lấy 500 pho tượng đẹp nhất đem về La Mã. Các hoàng đế La Mã tiếp nối lại góp phần phục hồi đền thờ. Đại đế Constantine lấy nhiều tượng và của cải đem về đế quốc Byzatium phương Đông. Dầu vậy đền Tiên Tri vẫn tồn tại và hoạt động cho đến khi hoàng đế La Mã Theodosius I ra lệnh dẹp bỏ vào năm 395 s.T.C.
Nhà hát, nơi thi thố tài năng thơ, nhạc
Từ đền thờ Apollo nhìn lên đồi cao, tôi thấy một kiến trúc ngộ nghĩnh mà sao quen mắt quá. Nhà hát Hy Lạp thời cổ đây mà. Chúng tôi theo con đường thiêng liêng leo lên dốc núi thoai thoải đến hàng ghế đá cao nhất. Từ đây có thể ngắm toàn cảnh thánh địa bên dưới và cả thung lũng xanh mướt rừng ô liu. Xa hơn nữa là biển xanh, vịnh Corinth nổi tiếng của Hy Lạp xưa. Nhà hát được xây cất lần đầu vào thế kỷ IV tr.T.C. bằng đá vôi của núi Parnassus, rồi lại thay đổi kiểu dáng nhiều lần. Với 35 hàng ghế đá xếp theo hình cánh cung, nhà hát có thể chứa đến năm ngàn người đến thưởng thức các cuộc thi diễn kịch, đọc thơ, trình diễn nhạc trong các lễ hội thường kỳ ở Delphi. Các lễ hội này được tổ chức để tôn vinh thần Apollo giết chết rồng Python, dựng lên thánh địa và đền Tiên Tri. Ban sơ chỉ có các cuộc thi thơ và nhạc, rồi sau có thêm thi hát có dàn Kithara, rồi lại có thêm độc tấu sáo. Apollo cũng là thần của thơ, nhạc và nghệ thuật.
Đứng trên cao nhìn xuống nhà hát, cảm khái vô cùng. Ba ngàn năm trước, người Hy Lạp đã có sinh hoạt rất tao nhã. Nhà hát chứa hàng ngàn người nghe mà không có loa phóng thanh. Ngồi trên ghế đá mà người xưa đã ngồi, thả hồn về Hy Lạp cổ, nghe như văng vẳng tiếng đàn Kithara. Đâu đây tiếng hát quyện theo tiếng sáo dìu dặt.
Lễ hội Delphi hoành tráng bắt đầu vào cuối thế kỷ VI tr.T.C., khi quyền tổ chức chuyển sang cho hội đồng gồm mười hai bộ tộc Hy Lạp vào lúc chấm dứt cuộc Chiến tranh Thần thánh. Thay vì tổ chức mỗi tám năm, thì từ đây cứ bốn năm là có lễ hội. Nội dung chính và hấp dẫn ở lễ hội là các cuộc thi. Ban đầu là các cuộc thi thố tài năng về thơ, về nhạc. Về sau mới có thêm các cuộc đua tài thể thao, tiền thân của thi đấu Olympic. Thi tài âm nhạc, thơ, kịch diễn ra tại nhà hát này, thi đấu thể thao thì được tổ chức tại đấu trường.
Đấu trường, nơi thi đấu thể thao đầu tiên của loài người
Từ nhà hát leo dốc tiếp, theo mút con đường thiêng liêng là đấu trường Delphi. Dựa vào vách núi cao sừng sững là các dãy băng bằng đá, chỗ ngồi cho khoảng sáu ngàn khán giả. Được xây vào thế kỷ thứ V tr.T.C., nghĩa là có sau nhà hát. Nhiều lần sửa đổi kiểu dáng, đấu trường mới có dáng dấp hiện nay: từ thế kỷ II s.Tr.C., hoàng đế La Mã Herodotus Atticus cho xây thêm các băng đá. Đấu trường rộng 25,50 mét và dài 177,55 mét được dùng cho lễ hội Pythia (tên khác của lễ hội Delphi) về các cuộc thi đấu thể thao.
  Đấu trường Delphi, nhà hát và con đường thiêng liêng
Tôi lại ngồi xuống băng đá, mơ màng giữa mộng thực. Hoạt cảnh hoành tráng như hiện ra trước mắt tôi. Các đấu sĩ thân hình cân đối tuyệt đẹp, các thiếu nữ duyên dáng trong trang phục Hy Lạp cổ xưa, các xe tứ mã tung hoành. Rồi các đấu sĩ chiến thắng được nhận cành nguyệt quế.
Lễ hội Pythia
Sau khi đã sám hối về viecẹ giết thần rồng Python, trên đường trở lại Delphi, thần Apollo đã dừng lại ở Tempo, ngắt lấy một cành dương liễu. Thi đấu Pythia là thi đấu danh dự. Những người thắng cuộc không hề nhận được giải thưởng bằng tiền mà được cành dương liễu, biểu tượng thiêng liêng của thần Ánh Sáng, chủ tể thánh địa. Trong suốt lễ hội Pythia thi đấu kéo dài ba tháng, người ta thông báo thời gian hoà thuận thần thánh, ngưng mọi xung đột. Người thi đấu và người xem được đi lại an toàn. Công chúng rất hào hứng. Toàn cõi Hy lạp đều rộn ràng. Hội chợ được tổ chức suốt thời gian lễ hội. Văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao đã có cơ hội phát huy rực rỡ.
Làm sao nói hết được niềm cảm khái trước dấu tích thánh địa Delphi. Mấy ngàn năm rồi, còn đây vết tích một thời rực rỡ. Bâng khuâng trước cuộc phế hưng. Lòng không ngậm ngùi mà lâng lâng. Đâu có lụi tàn. Ngọn đuốc văn minh đầu tiên được đốt lên từ nơi này, ngày càng rực sáng ở phương Tây và toàn thế giới./.
GS Nguyễn Chấn Hùng (Nhẹ bước lãng du, NXB Tổng hợp TP.HCM 2011)

Không có nhận xét nào: