Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Thăm nhà thờ mái bát úp đồ sộ nhất thế giới –

nha-tho-hagia-sophia-5
Nhà thờ Hagia Sophia (Thổ Nhĩ Kỳ) được ví như hình ảnh thu nhỏ của phong cách kiến trúc Byzantine. Nơi đây ban đầu là nhà thờ Thiên Chúa giáo sau đó chuyển thành nhà thờ Hồi giáo và hiện là bảo tàng Istanbul.
Công trình kiến trúc đồ sộ này từ khi bắt đầu xây dựng đến khi hoàn thiện chỉ trong vòng 6 năm (từ năm 532 – 537) dưới triều đại hoàng đế Đông La Mã Justinian. Ngay từ khi ra đời, Hagia Sophia đã nắm giữ vị trí là nhà thờ lớn nhất thế giới trong vòng gần 1000 năm, cho đến khi nhà thờ Seville hoàn thành vào năm 1520.
Công trình kiến trúc này nổi tiếng bởi mái vòm trần lớn và là một trong những công trình mái bát úp đồ sộ nhất thế giới. Ngoài những nét đặc trưng của nhà thờ Thiên chúa giáo, công trình còn mang những nét riêng biệt của đạo Hồi còn tồn tại đến ngày nay như hốc thờ, giảng đường và bốn ngọn tháp bên ngoài. Tất cả những chi tiết này đều được xây dựng thêm trong quá trình lịch sử dưới sự cai trị của đế quốc Ottoman.
 
Bên trong nhà thờ Hagia Sophia
 
Từ khi đế quốc Ottoman cai trị cho đến đầu thế kỷ 20, các bức họa Thiên chúa giáo trên tường đã bị che lấp bằng vữa nhiều lần. Sau này khi trùng tu để Hagia Sophia trở thành bảo tàng các nghệ nhân đã cạo hết lớp vữa khôi phục lại các bức tranh Thiên chúa trên tường như lúc ban đầu. Tuy nhiên những người trùng tu đã tạo ra được sự hòa hợp giữa đặc trưng Thiên chúa giáo ban đầu và các thay đổi Hồi giáo sau này bên trong Hagia Sophia.
 
Một bức tranh Thiên Chúa giáo được khôi phục.
Bên trong nhà thờ từ mái cong dạng vòm trên trần cho đến các vách ngăn đều trang trí bằng vật liệu khảm. Bên cạnh đó, nhà thờ còn trưng bày vô số thánh giá bằng vàng, Đức Mẹ đồng trinh và Chúa Hài Đồng giữa các thiên thần, chân dung hoàng đế…
Ngày nay, nhà thờ Hagia Sophia trở thành bảo tàng nổi tiếng thế giới về bề dày lịch sử cũng như sự hòa trộn giữa lối kiến trúc văn hóa tôn giáo Thiên Chúa và đạo Hồi. Và Hagia Sophia cũng từng được đề cử là một trong 10 nhà thờ đẹp nhất hành tinh.
Nguyễn Đức – Theo Đô thị

Không có nhận xét nào: