Tác giả- GS Nguyễn Chấn Hùng. Phía sau là đền Parthenon trên đỉnh Acropolis
(VOV) - Nữ thần tặng cho dân chúng thành phố một cây ô liu. Họ rất thích vì từ đây có trái ô liu làm thức ăn, có gỗ để xây dựng, có bóng mát. Nữ thần đặt tên thành phố là Athen.
LTS: Nguyên là Giám đốc của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nhưng ở một góc nhìn khác GS BS Nguyễn Chấn Hùng lại như một trí thức lãng tử, khoan thai đi giữa cuộc đời. Ông đi nhiều, viết nhiều. Những trang viết của ông rất tự nhiên, dễ đọc và cuốn hút kỳ lạ. Được sự đồng ý của GS BS Nguyễn Chấn Hùng, VOVNews xin giới thiệu cùng bạn đọc một số trang viết của ông trích từ cuốn sách "Nhẹ bước lãng du" (NXB Tổng hợp TP.HCM- 2011)
... Tôi đã lên tới tỉnh Acropolis. Ngẩn ngơ ngước nhìn phù điêu thần Athena chào đời ở mặt tiền đền Parthenon, bâng khuâng ngó xuống thành phố Athens phía dưới. Socrates người minh triết nhất, đã uống thuốc độc tự sát ở đâu, trường Academy của Plato ở đâu? Xa tít kia có phải là Marathon, chiến trường xưa?
... Tôi đã lên tới tỉnh Acropolis. Ngẩn ngơ ngước nhìn phù điêu thần Athena chào đời ở mặt tiền đền Parthenon, bâng khuâng ngó xuống thành phố Athens phía dưới. Socrates người minh triết nhất, đã uống thuốc độc tự sát ở đâu, trường Academy của Plato ở đâu? Xa tít kia có phải là Marathon, chiến trường xưa?
Tặng vật của thần nữ AthenaĂn nằm với vợ lớn Metis, nữ thần Nghệ Thuật, thần Zeus lại sợ hậu quả nếu có con trai thì sẽ lật đổ bố mình. Zeus nuốt Metis vào bụng. Nhưng nữ thần có thai và đã sửa soạn mũ áo cho con. Cái mũ của thai nhi làm thần Zeus nhức đầu dữ dội. Thần Hephaestus phải chẻ sọ của Zeus, từ vết nứt của một cô gái trưởng thành xuất hiện, đầy đủ mũ áo. Đó là nữ thần Athena, con gái cưng của chúa tể các vị thần.
Athena và người bác là thần Biển Poseidon đều muốn sở hữu vài thành phố Hy Lạp. Nữ thần đánh cuộc với thần bác. Thần Biển đập vào vách đá tạo thành dòng suối đem nước trong tới cho dân chúng, nhưng nước biển mặn, không ai dùng. Còn nữ thần thì tặng một cây ô liu. Dân chúng rất thích vì từ đây họ có trái ô liu làm thức ăn, có gỗ để xây dựng, có bóng mát đỡ mưa đỡ nắng. Được dân chúng theo, nữ thần đặt tên thành phố là Athens.
Vào thế kỷ VI tr.T.C. có ngôi đền to được xây để thờ nữ thần Athena, trên đỉnh đồi Acropolis, lúc Athens vừa thắng trận chiến Marathon năm 490. Đến năm 480 lại bị người Ba Tư tàn phá. Sau đó, phần lớn các đền thờ được nhà lãnh đạo Pericles chỉ đạo xây dựng lại trong thời kỳ vàng son của đế quốc Athens (460–430 tr.T.C.), đồi Acropolis đã hoàn thành dáng vẻ ta thấy ngày nay. Phidias nhà điêu khắc thiên tài của Athens, cùng với Ictimus và Callicrates – hai nhà xây dựng tài ba đã thực hiện các công trình này.
Đường lên đỉnh AcropolisAcropolis có nghĩa là nơi cao nhất của thành phố hay là Hòn đá thiêng. Ai cũng biết Acropolis của Athen từ hơn hai ngàn năm nay. Hòn đá thiêng là ngọn đồi đá vôi cao hơn mặt đất khoảng 100 mét, nổi lên giữa lòng Athens. Từ chân đồi đã thấy đền Parthenon trên đỉnh Acropolis.
Acropolis nhìn từ đền thờ thần Zeus (ảnh 2004) |
Cổng gác PropylaceaDu khách nườm nượp, rất ồn ào. Theo đà của mọi người, tôi bước lên các bậc thềm để lên đến Propylaea, cửa dẫn vào đèn Parthenon trên cao. Cảnh quan hết sức bề vộn, các công trình trùng tu đang tiến hành. Tôi chỉ lưu ý có rất nhiều cột Doric và nghe giải thích ngày xưa đây là nơi kiểm tra việc ra vào thánh địa. Ai chưa được thanh sạch thì không được vào để cầu nguyện nữ thần Athena. Kho tàng của Athens cũng được cất giữ trong đền Parthenon. Mnesicles đã thiết kế Propylaea. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 437 tr.T.C… Cùng với Parthenon, Propylaea còn nguyên vẹn suốt các thời Hy Lạp, La Mã và Byzantin. Đến năm 1656 thì bị hư hỏng nặng do nổ kho thuốc súng của quân Thổ đặt tại Acropolis.
Các cột Doric vết tích của đền thờ thần Zeus ở Athens (ảnh 2004) |
Tôi không biết về kiến trúc, tôi chỉ một lòng ngưỡng mộ ngôi đền thiêng của đế quốc Athen, cái nôi của văn minh loài người: triết học, nghệ thuật văn hoá và nền dân chủ đầu tiên. Trong tâm tưởng tôi đầy ắp Socrates, Plato, Aristotle, Aeschylus, Sophocles, Euripides. Nghệ nhân lừng danh Phidias, nhà điêu khắc với những cống hiến nghệ thuật thần thánh cùng với số phận nghiệt ngã cuối đời.
Đền Parthenon được xây để thờ thần Athena. Nhìn bao quát tôi thấy nét đơn giản mà thanh tú lại trang nghiêm. Dậy trong lòng tôi niềm cảm phục người xưa. Đền đang được phục chế. Không được vào thăm bên trong đền.
Xưa kia trong đền có tượng nữ thần Athena vĩ đại, chính Phidias thực hiện bằng vàng trộn lẫn ngà voi. Tượng cao khoảng 9 – 11 mét. Tượng nữ thần Athena ở đây cùng với tượng thần Zeus ở Olympia là hai tác phẩm điêu khắc điển hình của thiên tài Phidias, bạn thân của nhà lãnh đạo kỳ tài Pericles của Athen. Phía sau gian thờ nữ thần là nơi cất giữ kho tàng của đế quốc Athens.
Cứ bốn năm, dân Athens tổ chức lễ hội Panathenaic để tỏ lòng thành kính với nữ thần. Suốt lễ hội, đoàn diễu hành đi xuyên qua thành phố Athens lên đỉnh đồi Acropolis, tiến đến đền Parthenon. Tại đây một áo choàng lông được làm lễ khoác lên tượng khổng lồ của nữ thần. Ngày nay tượng không còn nữa.
Bên ngoài đền được trang trí bằng nhiều công trình điêu khắc. Phù điêu hình tam giác phía trên cao nhất ở mặt tiền phía Đông thể hiện nữ thần Athena chào đời ra từ khe sọ nứt của thần Zeus. Mặt tiền phía Tây thì khắc cảnh tượng đánh cuộc giữa thần Athena và thần Biển Poseidon. Có nhiều chạm khắc sự tích theo thần thoại Hy Lạp: cuộc chiến giữa các thần và các người khổng lồ, trận chiến Hy Lạp – Ba Tư, cuộc chiến thành Troy… Tất cả đều thể hiện người Athen là ưu việt nhất. Tôi rất chia sẻ. Thế kỷ V tr.T.C. với sự lãnh đạo kỳ tài của Pericles, Athen chỉ huy liên hiệp Delian của các thành bang chống lại người Ba Tư. Rồi Athen càng phồn vinh và trở thành đế quốc Athen. Đúng là thời hoàng kim, về tư tưởng có Socrates với phương châm Hãy tự biết mình và phương pháp hỏi đáp, Plato với trường Academy, Aristotle - thầy của Đại đế Alexander; về kịch nghệ có nhà hát tôn vinh thần Rượu Vang và kịch nghệ Dionysus bằng lễ hội hoàng tráng Dionysia, Phidias nghệ sĩ điêu khắc Hy Lạp lừng danh thần thánh.
Đến nay vẫn còn gần nguyên vóc dáng nhưng Parthenon cũng đã chịu nhiều tổn hại qua bao cuộc phế hưng. Vào thế kỷ V đền được chuyển thành nhà thờ Thiên Chúa. Đến năm 1460 đền lại trở thành thánh đường Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1687 đền chịu tổn hại nặng nhất. Quân đội Thổ của đế quốc Ottoman dùng nơi này làm xưởng chế tạo thuốc súng. Quân của thành Venice bắn pháo làm nổ tung khu trung tâm của đền, vài nơi bị sụp đổ. Đại tướng thành Venice sau khi đánh được quân Thổ vào năm 1687 đã làm hư hại đền để lấy các phù điêu trên mặt tiền phía Tây. Rồi Hy Lạp lại bị đế quốc Ottoman chiếm đóng, đền lại bị phá hoại nhiều do đại sứ Anh tên Elgin. Được phép vua Thổ, trong hai mươi năm, “đức ông” Elgin này đã cướp nhiều phù điêu vô giá của Acropolis, phần lớn từ đền Parthenon; sau đó bán cho Viện bảo tàng Anh Quốc. Elgin trở nên nổi tiếng vì hành động ăn cướp này.
Đền Parthenon trên đỉnh Acropolis
|
Đền Parthenon với mặt tiền phía Đông (ảnh 2004)
|
Đến ErechtheumTừ Parthenon đi vài bước là đến Erechtheum, ngôi đền nằm phía Bắc đồi Acropolis. Thật duyên dáng và độc đáo! Tôi thích thú ngắm tượng các trinh nữ đỡ một cánh cổng của đền. Hình ảnh này rất quen thuộc ở trong sách. Nhưng tận mắt thấy được tác phẩm điều khắc mới thán phục. Đường nét sao tỉ mỉ điêu luyện mà thanh thoát. Mỗi nàng được chạm một dáng vẻ riêng. Tôi chỉ gặp được năm trinh nữ. Xưa kia có tất cả sáu nàng. Chuyện kể là về đêm các trinh nữ khóc than thương nhớ người chị em xa vắng. Cũng chính “đức ông” Elgin gỡ lấy một tượng trinh nữ. Còn muốn lấy thêm một nàng nữa, nhưng gặp khó khăn, ông ta bỏ lại các mảnh vỡ trên mặt đất, về sau phải lắp ráp tượng lại. Bức tượng bị cướp đi được bán lại để trưng bày tại Viện bảo tàng Anh Quốc. Thật đáng xấu hổ cho đại sứ Elgin!
Đền Erechtheum với năm tượng trinh nữ đội cánh cổng |
Đây là nhà hát ngoài trời thời cổ Hy lạp, xây dựng để tôn vinh Dionysus, thần dạy dân cách trồng nho làm rượu vang. Chứa được 17.000 khán giả, nhà hát là địa điểm lý tưởng cho lễ hội kịch nghệ vĩ đại nhất của Athen. Nó trở thành khuôn mẫu cho mọi nhà hát. Lễ hội Dionysia hoành tráng được tổ chức hàng năm.
Tôi như thấy được cảnh nhà hát ngoài trời rộng lớn, khán giả dày đặc. Họ phải đến từ sáng sớm dự cho đến chiều tối để thưởng thức đầy đủ các vở kịch rồi bình chọn. Thật đáng khâm phục. Kiến trúc làm sao mà người ngồi ở hàng ghế cuối cùng vẫn nghe rõ lời nói từ sân khấu. Kịch sĩ phải mang mặt nạ thể hiện nhân vật để khán giả ở xa có thể hiểu được. Các kịch tác gia đầu tiên của nhân loại lần lượt thi tài tại đây. Ba nhà soạn bi kịch vĩ đại của Hy Lạp: Aeschylus đoạt giải nhất mười ba lần, Sophocles hai mươi bốn lần và Euripides năm lần.
Người hướng dẫn say sưa kể chuyện nhà soạn kịch tiên phong là Aeschylus sinh vào năm 525 tr.T.C… ông nổi tiếng với vở kịch Prometheus. Zeus giao cho Prometheus tạo ra con người. Prometheus gạt thần Zeus, lấy thịt cúng tế để nuôi con người, lại ăn cắp lửa trời đem cho con người. Thần Zeus nổi giận cho xiềng Prometheus vào tảng đá, mỗi ngày chim đại bàng moi gan ăn, chuyện lặp lại hằng bữa cho đến khi anh hùng Heracles bắn chết chim và chặt bỏ xiềng cho Prometheus. Aeschylus thể hiện thần Prometheus là ân nhân của loài người sẵn sàng chịu khổ đau vì con người, sản phẩm của chính mình. Thật đẹp!
Sophocles là hậu sinh của Aeschylus. Khoảng đời chín mươi năm của nhà viết kịch lừng danh này đã chứng kiến cả cuộc thăng trầm của Athen. Sophocles được dân Athen mến yêu và sùng bái. Ông đã soạn khoảng một trăm hai mươi ba vở kịch cho nhà hát. Đã đoạt giải ở hai mươi bốn lễ hội. Chính kịch của Sophocles đã làm lưu truyền ngàn đời câu chuyện thần thoại bi thương về Oedipus mắc lời nguyền giết vua cha và lấy mẹ đẻ. Sinh sau đẻ muộn nhất so với Aeschylus và Sophocles, Euripides ra đời đúng vào ngày đại thắng Salamis năm 480 tr.T.C… Soạn ít kịch hơn hai người tiên phong, chỉ đoạt giải nhất năm lần, nhưng Euripides để lại cho hậu thế một di sản rất quý giá về bi kịch. Các vở Phụ nữ thành Troy, Nàng Iphigenia minh hoạ sống động sử thi của Homer. Socrates rất mê kịch và không bỏ sót lần diễn nào của người bạn thân Euripides.
Nhà hát La Mã Herodes AtticusĐi xuống theo triền dốc phía Nam thì gặp một nhà hát nhỏ hơn trông còn mới, như là được gìn giữ rất kỹ. Thì ra đây nhà hát đã hai ngàn năm tuổi nhưng được cải tạo từ năm 1950. Herodes Atticus là nhà giàu xây nhà hát bằng đá với 5.000 chỗ ngồi vào năm 161 để tưởng nhớ người vợ quá cố. Vết tích xưa mấy ngàn năm còn nguyên với bức tường cổ, cao hai tầng nằm phía sau nhà hát. Đây là đặc điểm của nhà hát La Mã. Ngày nay nhà hát được dành cho các buổi trình diễn nhạc kịch hoà tấu và khiêu vũ của lễ hội Athen tổ chức hàng năm từ tháng sáu đến tháng bảy.
Ngồi trên bức tường cổ, nhìn xuống các hàng ghế mà người xưa đã ngồi thưởng thức nhạc kịch thấy thật cảm khái. Tôi chợt tưởng nhớ đến lăng mộ Taj Mahal ở Ấn Độ mà Hoàng đế phương Đông đã xây để tưởng nhớ người vợ yêu dấu.
Nhà hát La Mã Herodes Atticus với bức tường cổ
|
Ảnh chụp năm 2004 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét