Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

(THVL) Chùa Chusonji – di sản văn hóa thế giới

Thị trấn Hiraizumi ở phía Nam tỉnh Iwate có một quần thể kiến trúc Phật giáo nằm lọt thỏm giữa những ngọn đồi xen lẫn các cánh đồng lúa trải dài. Vào tháng 7 năm nay, thị trấn vốn yên tĩnh này trở nên náo nhiệt khi Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO công nhận quần thể kiến trúc Hiraizumi là di sản văn hóa của nhân loại.
Quần thể kiến trúc Hiraizumi do dòng họ Fujiwara xây dựng vào khoảng thế kỷ XII. Dòng họ Fujiwara lúc bấy giờ rất có thế lực nên họ dốc sức xây dựng lâu đài, thành trì kiên cố để tự vệ và cai quản một khu vực rộng lớn với dân cư khoảng 100.000 người.
Quần thể kiến trúc Hiraizumi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới
Sự hưng thịnh của Hiraizumi kéo dài gần 100 năm, dưới sự cai quản lần lượt của 3 vị lãnh chúa thuộc dòng họ này là Fujiwara no Kiyohira, Fujiwara no Motohira và Fujiwara no Hidehira. UNESCO công nhận Hiraizumi là di sản văn hóa thế giới, trong đó bao gồm các công trình kiến trúc tôn giáo và những khu vườn bao bọc xung quanh.
Nổi bật trong quần thể kiến trúc này là ngôi chùa Chusonji, được xây dựng dưới thời của lãnh chúa Fujiwara no Kiyohira. Ngôi chùa hiện còn tồn tại 17 tòa kiến trúc bao gồm khu Chánh điện và các công trình phụ cận.
Ban đầu, chùa Chusonji do một nhà sư xây dựng vào giữa thế kỷ thứ IX. Đây là kiến trúc quan trọng của giáo phái Phật giáo Tendai ở vùng Tohoku, phía đông bắc Nhật Bản.
Đến đầu thế kỷ XII, ngôi chùa trải qua đợt đại trùng tu do lãnh chúa Kiyohira tiến hành, kéo dài suốt 21 năm. Khi hoàn tất, chùa Chusonji trở thành một khu phức hợp tôn giáo với 40 công trình kiến trúc lớn nhỏ.
Vào thời điểm này, chiến tranh giữa các lãnh chúa địa phương diễn ra khắp nơi trên cả nước Nhật. Thế lực của dòng họ Fujiwara rất mạnh, họ giành quyền cai quản hầu như cả miền Bắc. Tuy gặt hái nhiều thắng lợi trên chiến trường nhưng lực lượng của lãnh chúa Fujiwara no Kiyohira tổn thất không nhỏ. Để xoa dịu linh hồn của các binh sĩ, ông quyết định mở rộng qui mô của chùa Chusonji.
Chùa Chusonji nổi bật trong quần thể kiến trúc Hiraizumi
Du khách tham quan chùa Chusonji không thể bỏ qua công trình đặc sắc nhất của khu phức hợp – điện thờ Konjikido tọa lạc trên một ngọn đồi thấp.
Điện thờ được xây dựng trong 15 năm, hoàn tất vào năm 1124. Kiến trúc thiết kế theo dạng hình vuông, mỗi cạnh dài 5,5 mét, cao 8 mét. Công trình làm bằng gỗ nhưng toàn bộ bề mặt gỗ từ sàn, vách đến trần nhà đều được phủ vàng lấp lánh cả trong lẫn ngoài. Điện thờ Konjikido được đánh giá là một trong số ít công trình Phật giáo bọc vàng đẹp nhất và lộng lẫy nhất trên thế giới. Nguồn vàng phong phú dùng để xây dựng điện thờ được lấy từ các mỏ vàng trong vùng. Khi đó, Tohoku là nơi sản xuất vàng nổi tiếng của Nhật Bản.
Điện thờ Konjikido có 3 gian, gian chính giữa thờ Đức Phật Amida, gian bên trái thờ Bồ tát Kannon và gian bên phải thờ Bồ tát Seishi. Các bức tượng trong điện thờ đều được mạ vàng. Lúc đầu, có tổng cộng 33 bức tượng, mỗi gian thờ có 11 bức nhưng hiện nay, một bức tượng đã bị thất lạc. Các bức tượng và họa tiết trang trí tại điện thờ Konjikido được công nhận là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ của người thợ thủ công Nhật Bản thế kỷ XII.
Điện thờ Konjikido tọa lạc trên một ngọn đồi thấp và bên trong là những tác phẩm nghệ thuật
được dát vàng tinh xảo
Đặc biệt, tại Konjikido, bên dưới các bệ thờ tượng Phật là mộ của 3 người đứng đầu dòng họ Fujiwara. Các ngôi mộ được đắp nổi hoa văn hình chim công cùng nhiều họa tiết đẹp mắt. Nhìn trực diện từ ngoài vào, bên trái của gian thờ chính là mộ của Motohira, lãnh chúa đời thứ 2 của dòng họ Fujiwara. Mộ của Kiyohira, lãnh chúa đầu tiên của dòng họ Fujiwara nằm ở gian thờ chính. Và cuối cùng, gian thờ bên phải là mộ của lãnh chúa đời thứ 3 Hidehira
Trong 900 năm qua, Konjikido nhiều lần hứng chịu các biến cố lịch sử và thiên tai nhưng công trình vẫn được bảo dưỡng và duy trì đúng với hình dáng nguyên thủy của nó.
Trận động đất kéo theo sóng thần vào ngày 11/03 năm nay đã tàn phá nặng nề nhiều khu vực ở Tohoku. May mắn là trận động đất không gây ảnh hưởng đến quần thể kiến trúc của chùa Chusonji. 4 tháng sau đó, công trình tôn giáo này được đưa vào danh sách các di sản văn hóa của thế giới. Sự công nhận của UNESCO đã tạo thêm niềm tin và nghị lực cho người dân Tohoku trong công cuộc tái thiết sau thảm họa kép.
Chùa Chusonji là niềm tự hào về thiết kế thời Heian của Nhật Bản
Vẻ đẹp của chùa Chusonji là kết quả lao động miệt mài của những người thợ xây dựng và thợ thủ công tài hoa vào cuối thời Heian. Đỉnh cao của sự tinh xảo thể hiện qua các họa tiết trang trí bằng vàng và hoa văn khảm xà cừ tại Điện thờ Konjikido. Màu sáng lấp lánh của xà cừ luôn có sức hấp dẫn đặc biệt, nó cũng góp phần tạo nên vẻ tráng lệ cho toàn bộ công trình.
Không chỉ giỏi về lĩnh vực kiến trúc và trang trí, người thợ thời Heian còn là bậc thầy sáng tác các món đồ thủ công
Chùa Chusonji hiện vẫn còn lưu giữ nhiều di vật giá trị có lịch sử từ thế kỷ XII, tác giả của chúng không ai khác hơn là những người thợ thủ công thời Heian. Tranh Kinji hoto madala và kinh Phật Kinginkiko là hai trong số nhiều tài sản giá trị của chùa Chusonji do các nghệ nhân Heian tạo ra. 
Điện thờ Konjikido dát vàng lấp lánh

Quyển kinh Phật có tên gọi Kinginkiko được làm chủ yếu bằng vàng và bạc. Tác phẩm này là sự kết hợp giữa hình vẽ và chữ viết Hán tự. Quyển kinh giống như một bức tranh giấy cuộn Makimono truyền thống của người Nhật. Ngay phần mở đầu của quyển kinh là hình vẽ Đức Phật Thích ca thiền định trên tòa sen, xung quanh Đức Phật là các vị Bồ tát. Kế đến là những dòng kinh Phật bằng Hán tự, chúng không được viết theo lối thư pháp thông thường dùng mực tàu mà được viết bằng vàng và bạc. Chất liệu đặc biệt này đã giúp Kinginkiko trở thành tác phẩm kinh Phật độc đáo nhất trên thế giới.
Quyển kinh Phật Kinginkiko được làm chủ yếu bằng vàng và bạc.
Có tổng cộng 5.300 chữ Hán trên quyển kinh Phật, mỗi chữ đều ánh lên vẻ lấp lánh của kim loại quý. Theo tài liệu ghi chép lại, có đến 530 người thợ cùng hợp sức tạo nên tác phẩm kỳ công này, thời gian thực hiện kéo dài trong 8 năm.
3 bức tranh bằng vàng có tên gọi Kinji hoto madala, tạm dịch “Tháp Vàng trên cõi Cực lạc của Đạo Phật” cũng là một tuyệt tác nghệ thuật từ thời Heian. Nhìn từ xa, ngọn tháp giống như được vẽ từ những nét vẽ bình thường nhưng thật ra, nó là sự gắn kết của vô số chữ viết nối tiếp nhau. Từng đường nét của ngọn tháp, từ đỉnh cho đến các mái nhọn bên dưới, đều là chữ Hán. Chúng thể hiện lời giáo huấn của Đức Phật và những điều tốt đẹp, hướng thiện mà các tín đồ Phật giáo nên làm. Trong tháp là hình ảnh Đức Phật tọa thiền trên tòa sen, xung quanh ngài là hào quang tỏa sáng.
3 bức tranh bằng vàng Kinji hoto madala
Điện thờ Konjikido là công trình được duy trì đúng với nguyên bản ra đời vào thời Heian. Thật ra, hình dáng hiện nay của điện thờ là kết quả của quá trình đại trùng tu cách đây gần 50 năm.
Vào thập niên 1940, Konjikido bị hư hại nặng nề do ảnh hưởng bởi thiên tai. Một trận bão lớn mang theo mưa và giông tố xảy ra vào thời điểm đó đã phá hỏng nhiều công trình của chùa Chusonji. Một thân cây to bị gió quật ngã đè lên phần mái của tòa nhà bao bọc bên ngoài điện thờ. Tác động mạnh này làm mái nhà đổ sập. Bên trong, phần mái, cột và tường dát vàng của điện thờ Konjikido cũng không còn nguyên vẹn. Các họa tiết trang trí bằng vàng bong tróc và rạn nứt. Trước tổn thất quá lớn này, ban quản lý chùa Chusonji không đủ khả năng khôi phục.
Vì vậy, chính phủ Nhật Bản quyết định vào cuộc. Một nhóm chuyên gia và thợ thủ công chuyên phục chế các công trình cổ trên khắp cả nước đã được quy tụ. Họ phối hợp cùng với nhà chùa để thảo luận các giải pháp khả thi cho việc trùng tu. Có tổng cộng 50 người tham gia thực hiện dự án này.
Quá trình tu sửa được tiến hành rất cẩn trọng, bắt đầu từ năm 1962 và kéo dài đến năm 1968. Đây không phải là đợt sửa chữa bình thường mà là một dự án lớn tiêu tốn rất nhiều kinh phí và công sức. Người ta phải dỡ bỏ gần như toàn bộ điện thờ để làm mới lại.
Nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu đã nảy sinh. Yêu cầu đặt ra là nguyên liệu phải giống với nguyên bản, trước hết là xà cừ. Xà cừ mà thợ thủ công ngày xưa sử dụng có xuất xứ từ vùng biển phía Nam của nước Nhật.
Để có được những miếng xà cừ sáng lấp lánh, nhóm phụ trách dự án trùng tu đã cử người đến vùng biển Okinawa để mò tìm ốc xà cừ. Họ phải lặn xuống đáy biển sâu 40 mét để bắt những con ốc lớn có kích thước khoảng 20 cm để lấy chiếc vỏ trắng óng ánh của chúng.
Tìm hiểu cách thức mà người xưa đã sử dụng để làm ra các họa tiết sơn mài trên những chiếc cột của điện thờ cũng là một vấn đề rắc rối khác mà nhóm trùng tu cần phải giải quyết. Nhiệm vụ của người thợ trùng tu là tái hiện hình ảnh Bồ tát trên thân cột bằng kỹ thuật sơn mài truyền thống Maki-e của Nhật Bản. Đó là kỹ thuật rắc mạt kim loại quý để tạo hoa văn lên lớp sơn mài.
Để có được những họa tiết sơn mài mang màu sắc giống nguyên bản, ban phụ trách dự án trùng tu phải vận chuyển những chiếc cột lấy từ điện thờ đến trung tâm nghiên cứu kỹ thuật sơn mài Maki-e ở thủ đô Tokyo. Tại đây, các chuyên gia bắt đầu kiểm tra tỉ mỉ từng chi tiết trên thân cột để khám phá những gì ẩn chứa bên trong đó. Bí mật đã được phát hiện người xưa đã sử dụng 8 lớp nước sơn phủ tuần tự lên nhau để tạo độ bền và sắc nét cho các hoa văn.
Sau khi nút thắt được mở, nhóm thợ bắt đầu thực hiện lại qui trình mà người xưa đã làm. Họ sử dụng nhiều lớp sơn liên tiếp nhau và rắc bột vàng vào giữa từng lớp sơn. Loại sơn dùng làm đồ sơn mài Maki-e được lấy từ nhựa của cây sơn chỉ có ở Nhật Bản. Khi cứng lại, sơn mài maki-e có độ bền cao và khả năng chống ẩm rất tốt.
Một câu hỏi được đặt ra là “phủ vàng lên toàn bộ công trình như thế nào để màu vàng đặc trưng của kiến trúc không bị biến mất”. Hàng loạt mảnh vỡ bằng vàng ở phần mái và tường của điện thờ được mang ra phân tích để tìm hiểu thành phần của nó. Người ta nhận thấy rằng, bột vàng được trộn với một loại hóa chất có tên Omei, nó có công dụng tạo ra những miếng vàng lá cực mỏng, có độ dai và ánh vàng đẹp mắt. Và những miếng vàng lá như thế bắt đầu được tái sản xuất. Ngoài việc tuân thủ cách thức tạo ra nguồn nguyên liệu, nhóm phụ trách công việc trùng tu cũng thực hiện triệt để kỹ thuật dát vàng của người xưa.
Họ dùng tổng cộng 30.000 lá vàng để phủ lên toàn bộ bề mặt cả trong lẫn ngoài điện thờ Konjikido. Công việc dát vàng kéo dài trong 8 tháng. Khi hoàn tất, toàn bộ công trình trở nên lộng lẫy như cách đây 900 năm. Dát vàng cũng là công đoạn cuối cùng của quá trình tu sửa điện thờ Konjikido kéo dài suốt 6 năm.
Năm 1968, lễ khánh thành Konjikido được tổ chức long trọng với sự góp mặt của nhiều quan chức chính quyền, chức sắc tôn giáo và công chúng. Lần trùng tu này, điện thờ được bao bọc bởi cấu trúc bằng kính đặc biệt giúp ngăn bụi, côn trùng, chống cháy và chống ẩm.
Thanh Tâm
 

Không có nhận xét nào: