Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Ốc đảo Siwa ngủ vùi trong cát?

 


(TT&VH Cuối tuần) - Nằm ở vùng cực tây của sa mạc Ai Cập (cách thủ đô Cairo 752km), ốc đảo Siwa là nơi cư ngụ của tộc người Berber với những truyền thống sinh hoạt lâu đời độc đáo có một không hai trên thế giới. Song, liệu người Siwa còn “giữ mình” được trong bao lâu nữa?
Chấm xanh giữa sa mạc cát
Từ Alexandria (Ai Cập) đến Siwa khoảng 600km, gần biên giới Ai Cập và Libya. Đường cao tốc giữa sa mạc rộng, thẳng, phẳng phiu, vắng bóng người, xe chạy thoải mái cỡ 140km/h, hiếm lắm mới gặp một xe khách hay xe tải chạy ngược chiều. Và vì thế sẽ rất vất vả nếu xe chết máy giữa đường, khi xung quanh 4 bề là sa mạc, con đường chạy thẳng tít tắp như cái điếu cày Trung Đông, chẳng ai để trò chuyện ngoài cát. Nhưng sự đơn điệu dần dần thay đổi khi đến gần ốc đảo. Đầu tiên là sự xuất hiện của những tảng đá khổng lồ hình thù kỳ dị. Màu xanh của cây cối dần hiện ra phía sau trạm kiểm soát, bao quanh một cái hồ lớn. Mặt hồ mênh mông phẳng lặng, phản chiếu màu xanh của bầu trời, màu nâu đậm của đá và cát.
Nhìn từ trên cao xuống, ốc đảo Siwa chỉ là một chấm xanh nằm lọt thỏm giữa biển cát. Hàng ngàn cây cọ và cây ô-liu vươn cao che khuất những ngôi nhà vách đất. Về phía Đông, một mặt hồ nước mặn lóng lánh dưới ánh mặt trời. Và chung quanh, một màu son đỏ và vàng chạch của các đụn cát tô vẽ nên những gam màu thú vị. Nhưng, khi đến gần, Siwa hiện ra với nhiều sắc thái phong phú và tương phản nhau. Trên những vuông đất rộng lớn và cả trên những mái nhà, những quả chà là đang được phơi khô trông thật bắt mắt. Xa xa, vẫn còn đó một màu xanh thực vật, những lọ đựng dầu ô-liu được xếp thành từng dãy dài trong các tiệm tạp hóa, những chiếc sọt gỗ lớn chất đầy những quả cam…
Một người đàn ông đang ngâm mình trong cát, một thú vui hiếm hoi ở Siwa
Tại Siwa, trên khu quảng trường nhỏ, người dân họp chợ đông đúc. Du khách có thể dễ dàng đứng xem một anh chàng bán gà vịt đang cắt cổ những chú gà bằng con dao sắc ngọt rồi nhanh chóng quẳng chúng vào một chiếc thùng nhựa lớn để chờ vặt lông. Và dưới bóng của những bức tường thành của khu pháo đài Shali, trẻ em đang chơi bóng. Nếu đứng trên đỉnh tường thành, có thể thấy những hàng cây cọ trải dài và những đụn cát lung linh dưới sức nóng ngột ngạt của miền sa mạc.
Vươn tầm mắt ra xa, du khách sẽ thấy đỉnh ngọn đồi Gebel Dakrour. Cát trên khu đồi này được cho là thần bí và nhiều người đã đến đây vùi trong cát để chữa bệnh, hoặc đơn giản là họ đến đây khi cơ thể mệt mỏi. Vào tuần trăng rằm tháng 10, đàn ông Siwa cũng đến đây và suốt 3 ngày 3 đêm liền, họ sống tại đây, rời bỏ căn nhà và vợ con, để tổ chức “ngày hội hòa bình”. Cánh đàn ông trong vùng sẽ nói chuyện, thảo luận và bàn bạc nhiều vấn đề, họ mổ xẻ những xung đột trong sinh hoạt hàng ngày, nếu có, rồi bàn cách giải quyết cho ổn thỏa.
Hôm nào cũng vậy, khi mặt trời lên tới đỉnh cao nhất thì cũng là lúc ông Kamal Al Masry 50 tuổi khoan khoái chôn mình dưới lớp cát nóng bỏng của sa mạc núi El Dakrror. Cái đầu là phần cơ thể duy nhất còn nhổm dậy, mà nếu không để mắt trông chừng, rất dễ bị lạc đà đạp trúng lúc nào không hay. Kamal Al Masry không phải là người duy nhất sống ở ốc đảo này tin rằng: chôn mình trong cát nóng là phương thức chữa bệnh cực kỳ hữu hiệu. Không chỉ chữa bệnh viêm khớp, thấp khớp, cách hành hình độc đáo này còn giúp các quý ông cải thiện sinh lực “chiều vợ” tuyệt vời.
“Chiều vợ” là một cách nói bởi có lẽ đàn ông Siwa “bảo vệ” vợ kinh khủng. Đừng hòng người lạ được tiếp xúc với phụ nữ nơi đây. Ở ốc đảo Siwa, phụ nữ vẫn phải trùm khăn kín mặt và không được phép ra ngoài một mình nếu không có bố, anh hay chồng đi kèm. Một bóng người trùm kín toàn màu xanh lam đang bước đi trên con đường đầy cát. Một chiếc xe thồ chạy ngang qua. Một đứa bé trai, tay cầm dây cương, đang điều khiển chú lừa, vừa thích thú nhóp nhép quả chà là. Phía sau cậu bé, trên thùng xe là một vài bóng người trùm kín mặt đang lắc lư theo vòng bánh xe trên mặt đường gập ghềnh. Họ huyên thuyên với nhau, đôi khi cười khúc khích, nhưng là những nụ cười chỉ được cảm nhận qua đôi mắt sau lớp mạng che mặt. Phụ nữ Siwa hiếm khi ra khỏi nhà trừ phi có việc cần. Và nề nếp đó, đến nay vẫn còn nguyên như thuở nào. Siwa dường như vẫn còn giữ nhiều nét huyền bí của sa mạc và người ta sợ rằng với sự xâm lấn của công nghệ du lịch, một ngày nào đấy những nét văn hóa ấy sẽ bị ngủ vùi trong cát.

Những ngôi nhà ở ốc đảo Siwa được xây bằng gạch bùn và đá
Tự cung tự cấp
Siwa mang trong mình một nghịch lý. Do bị vây quanh toàn cát là cát và hầu như biệt lập với thế giới bên ngoài, ốc đảo này từ bao đời nay vẫn sống và sinh hoạt được theo phương cách tự cung tự cấp. Ban ngày phải đánh nhau với ruồi để chiếm bóng râm, tối tối phải gồng mình lên chịu cái lạnh đêm sa mạc. Chăn chiếu phủ đầy cát. Điện không, nước ít nhất 3 ngày mới có. Chỉ có 300 suối nước ngọt nuôi sống Siwa bao thế kỷ qua. Chưa kể những trận bão cát tối mắt tối mũi. Ngày xưa quân đội Ba Tư do Vua Cambyses thống lĩnh bị bão cát tấn công và mất tích mãi mãi.
Những ngôi nhà ở Siwa được xây bằng gạch bùn và đá. Những ngôi nhà nhỏ nhỏ, xinh xắn xen lẫn giữa những tảng đá nâu bạc màu khiến người đến thăm có cảm giác như bị lạc vào một thị trấn thời Pharaoh. Sống với thời tiết khắc nghiệt, người dân ở đây học được cách sử dụng kiến trúc tự nhiên để điều hòa. Ngay cả trong giờ chết (thời gian từ khoảng 10h sáng đến 3h chiều, nóng đến mức không ai muốn ra ngoài), trong nhà vẫn mát lạnh.
Siwa có những phong tục tập quán nghiêm khắc, những truyền thống xưa cũ vẫn luôn ngự trị. Điển hình như, để được ca hát và uống thỏa thích rượu cọ, phải đi ra khỏi khu ốc đảo này, băng qua các khu vườn cọ để đến được nguồn nước Abu Shuruf. Đối với thanh thiếu niên Siwa, “đi Abu Shuruf” là mật khẩu để tụ tập đi chơi xa, để được uống rượu, nhảy múa, lao mình xuống dòng nước xanh trong mát rượi, vui đùa thỏa thích rồi phơi mình tắm nắng trước khi quay về. Nhưng chỉ có con trai mới được phép “tung hoành” thế, bởi tại Siwa này, phụ nữ luôn là những “bóng ma”.
Tương truyền rằng, Nữ hoàng Cleopatra đã từng dạo quanh khu vực nguồn nước này và đã xuống tắm trong nguồn nước đó. Bởi thế, các nguồn nước luôn là điều ban phúc lành cho ốc đảo. Tất cả chúng đều chảy về hướng sa mạc và tụ lại tạo nên những đầm, những vũng hay hồ nước, nơi mà thỉnh thoảng có những đàn hồng hạc đến kiếm ăn và tránh nóng. 15 năm trở lại đây, du khách đã được ngành du lịch Ai Cập tổ chức cho tham quan và giải trí tại Abu Shuruf, song những du khách nữ muốn đùa giỡn dưới làn nước phải mặc quần áo. Tuy vậy, ốc đảo Siwa của hàng ngàn biệt lập dù sao nay cũng đã thay đổi, để có thể một ngày kia, những phong tục cuối cùng của cư dân nơi đây có thể sẽ hoàn toàn biến mất.
Chỉ mới cách đây vài năm, người dân Siwa khó mà chào hỏi du khách. Nhưng giờ đây, cũng giống như nhiều địa điểm du lịch khác tại Ai Cập, trẻ em chạy theo mấy “ông Tây” để xin cây viết hay một vài thứ vặt vãnh, phụ nữ đã chào bán những món hàng trang sức truyền thống trong vùng. Chính quyền địa phương vốn bấy lâu “bỏ rơi” ốc đảo Siwa, thì nay đang tìm cách khai thác lợi nhuận từ đấy. Một ngôi làng thể thao đã được dựng lên, với một sân thi đấu 20.000 chỗ ngồi, nhưng chưa bao giờ được sử dụng mà tệ hơn, đã khiến cảnh quang nơi đây ít nhiều bị phá hỏng. Khách sạn mọc lên khắp nơi.
Có vẻ như để được nhâm nhi những chén trà đặc quánh, ngọt như si-rô và đen đậm như hắc ín, khi mà chung quanh, ánh trăng đang lên và soi bóng khu pháo đài Shali mờ ảo trong màn sương, đang là chuyện đi vào dĩ vãng. Giờ đây, pháo đài cổ Shali vẫn còn hiện diện ở Siwa, trông như một người lính gác uy nghiêm giữa màn đêm, đang canh giữ cho sự trường tồn của ốc đảo Siwa, cho muôn đời sau.
Tường Nguyễn

Không có nhận xét nào: